Khắc phục bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp

09:39 - Thứ Sáu, 14/04/2023 Lượt xem: 6097 In bài viết

ĐBP - Nhằm nâng cao đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo và thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao, bền vững, cùng những chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Điện Biên cũng xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó tiêu biểu là Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết nảy sinh nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Bài 1: Thất bại mô hình liên kết ở Tuần Giáo

Hiện nay, diện tích trồng chanh leo tím trên địa bàn xã Rạng Đông được thay thế bằng mô hình xoài. Trong ảnh: Cán bộ xã Rạng Đông kiểm tra mô hình trồng xoài thay thế chanh leo.

Thực hiện dự án hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND, huyện Tuần Giáo triển khai 2 mô hình trồng chanh leo tím tại xã Rạng Đông và Mường Mùn, với kỳ vọng là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân và góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp địa phương. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình không phát huy được hiệu quả, giảm niềm tin của người dân, gây lãng phí nguồn lực hỗ trợ, đầu tư.

Kỳ vọng “đột phá”

Năm 2019, hơn 30 hộ dân trên địa bàn bản Nậm Mu và bản Bon B (xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo) tham gia mô hình trồng chanh leo tím theo dự án hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mô hình do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo tổ chức thực hiện. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư thiết yếu theo quy định (tối đa 3 vụ hoặc chu kỳ sản xuất). Đơn vị hợp tác liên kết là Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc cam kết cung ứng giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phù hợp với giá cả thị trường; hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm; đặc biệt cam kết thu mua 100% sản phẩm.

Sau khi được nghe thuyết trình về tính khả thi và hiệu quả của mô hình, người dân tích cực đăng ký tham gia, nhiều hộ chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, đậu tương sang trồng chanh leo tím.

Anh Quàng A Xúa, bản Bon B (xã Rạng Đông) là một trong những trường hợp tiên phong tham gia mô hình. Anh Xúa cho biết: Năm 2019, gia đình tôi đăng ký tham gia mô hình, được hỗ trợ hơn 100 gốc cây chanh leo cùng hệ thống giàn, cọc leo, phân bón. Thời gian đầu, cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát và theo dõi chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật đào hố, làm giàn, trồng và các biện pháp chăm sóc, bón phân, cắt tỉa theo từng thời kỳ, kiểm tra sâu bệnh gây hại nên cây chanh leo sinh trưởng và phát triển đều.

Nhìn vườn chanh leo xanh tốt, không chỉ gia đình anh Xúa mà những hộ dân khác cũng phấn khởi, hăng hái tham gia mô hình, ra công chăm sóc, mong chờ đến ngày thu hoạch. Họ kỳ vọng hiệu quả như những bài thuyết trình, những cam kết bao tiêu sản phẩm sớm thành hiện thực sẽ tạo sự đột phá trong sản xuất, tăng thu nhập.

Thế nên, chính quyền, người dân tại xã Rạng Đông và xã Mường Mùn tập trung triển khai thực hiện. Kết quả là 2 mô hình chanh leo tím có 49 hộ dân tham gia với tổng diện tích 21,3ha; tổng kinh phí thực hiện 882 triệu đồng.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Chỉ sau vụ thu hoạch đầu tiên, anh Xúa thấy cây chanh leo ngày càng kém phát triển, tỷ lệ cây chết cao, năng suất thấp và đầu ra khó khăn. Vì vậy, sau 1 năm tham gia mô hình dù chưa hết thời gian hỗ trợ, thực hiện liên kết theo quy định anh Xúa đã phá bỏ chanh leo và chuyển sang trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc.

Tương tự anh Xúa, nhiều hộ dân ở bản Hỏm (nay là bản Hỏm Hốc, xã Mường Mùn) cũng phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác chỉ sau một thời gian tham gia mô hình. Thậm chí, đến nay khi nhắc lại, nhiều hộ dân từng tham gia mô hình vẫn còn bức xúc vì tính hiệu quả, khả thi của dự án không như thuyết trình. Cho dù khi tham gia họ được hỗ trợ giống, phân bón, vật tư.

Dẫn chúng tôi đến địa điểm trồng chanh leo tím, anh Lò Văn Khởi, cán bộ khuyến nông xã Mường Mùn cho  biết: Trước đây cả khu vực này (bản Hỏm) khoảng 4ha thực hiện mô hình trồng chanh leo tím, nhưng do không hiệu quả nên người dân đã phá bỏ, chuyển sang trồng ngô. Nguyên nhân do thiếu nước tưới, cây chanh leo tím phát triển chậm, thậm chí chết, năng suất thấp. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm quả chanh leo gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp.

Theo xác nhận của UBND huyện Tuần Giáo, đến nay cả 2 mô hình chanh leo đều không còn duy trì. Nguyên nhân do người dân không đầu tư, chăm sóc, thiếu nước và để gia súc phá hại.

Tuy nhiên trên thực tế, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân chính dẫn đến người dân không duy trì mô hình là vấn đề tiêu thụ sản phẩm khó khăn, không ổn định, giá cả thấp, chủ yếu tiêu thụ tại chỗ.

Đây là dự án liên kết, đơn vị hợp tác liên kết cam kết bao tiêu sản phẩm. Nhưng khi người dân có sản phẩm, đơn vị liên kết chỉ thu mua những quả đạt tiêu chuẩn, điều kiện loại 1 mà đơn vị liên kết đưa ra. Trong khi đó, là loại cây mới, kỹ thuật canh tác, chăm sóc của người dân còn hạn chế nên số lượng quả loại 1 rất ít, có diện tích không có. Còn lại quả loại 2, loại 3 chỉ bán được với giá rất thấp, thậm chí không bán được. Nếu muốn bán, người dân phải gửi xe khách xuống tỉnh Sơn La để bán cho đơn vị thu mua với giá chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, không đủ tiền cước vận chuyển, chưa kể công chăm sóc.

Còn về nguyên nhân khách quan do nắng nóng, thiếu nước như cơ quan chuyên môn huyện Tuần Giáo nhận định thì cũng cần phải bàn thêm về trách nhiệm chủ quan. Bởi trước khi thực hiện dự án, cơ quan chuyên môn bắt buộc phải thực hiện khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế đất đai, nguồn nước, loại cây trồng phù hợp hay không thì mới triển khai thực hiện.

Trong khi đó, theo ông Lò Văn Thoan, Bí thư Đảng ủy xã Rạng Đông, thì đây là một trong những địa bàn thường xuyên thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt. Cây chanh leo tím thuộc loại cây ưa ẩm nên nhất thiết phải có độ ẩm phù hợp. Nhất là  trong giai đoạn ra hoa kết trái và phát triển trái, nếu thiếu nước, cây sẽ bị khô dẫn đến teo quả, mất thu hoạch.

Có thể khẳng định, mô hình chanh leo tím tại xã Rạng Đông và Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) là một trong những mô hình thất bại về việc hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Và trên địa bàn các huyện khác, còn nhiều mô hình hỗ trợ liên kết về cây trồng, vật nuôi cũng chưa phát huy hiệu quả.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND, giai đoạn 2019 - 2022, toàn tỉnh đã thực hiện 79 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 47 dự án liên kết thuộc lĩnh vực trồng trọt và 32 dự án liên kết chăn nuôi - thủy sản. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ trên 53,5 tỷ đồng, chiếm 43% tổng kinh phí giao. Thực tế cho thấy, việc thực hiện các dự án giúp người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, quy mô liên kết vẫn còn nhỏ, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; vai trò, trách nhiệm của một số chủ trì liên kết chưa cao.

Bài 2: Lúng túng, vướng mắc chính sách

Phạm Trung - Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top