Khắc phục bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp (bài 2)

09:45 - Thứ Tư, 19/04/2023 Lượt xem: 6071 In bài viết

Bài 2: Lúng túng, vướng mắc chính sách

ĐBP - Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND đã ban hành chính sách hỗ trợ đối với 23 nội dung thuộc 6 lĩnh vực trong phát triển nông, lâm nghiệp gắn với tái cơ cấu Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Triển khai thực hiện, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng để cụ thể hóa Nghị quyết vào cuộc sống.

Bài 1: Thất bại mô hình liên kết ở Tuần Giáo

 

Mô hình sản xuất khoai tây trái vụ tại bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) được triển khai từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND. Trong ảnh: Người dân bản Hồ Chim 2 chăm sóc khoai tây.

Nhiều vướng mắc

Để đánh giá hiệu quả của một chính sách thì thước đo chính xác nhất là thực tiễn.

Nhiều năm nay, hoa ban đã trở thành thương hiệu, là biểu tượng gắn với du lịch tỉnh Điện Biên. Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND cũng ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển cây hoa ban. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng việc quy định hạn mức diện tích thực hiện bảo vệ và trồng tập trung tối thiểu 3ha/dự án là quá cao, rất khó để tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ trồng cây hoa ban 80 triệu đồng/ha/4 năm là quá thấp so với chi phí thực tế ngoài thị trường.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Những vướng mắc về quy định hạn mức diện tích, giá thành gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây hoa ban. Giai đoạn 2019 - 2022, huyện chỉ thực hiện hỗ trợ trồng cây hoa ban tập trung với diện tích 7,65ha. Để chính sách này đạt hiệu quả cao hơn, cần điều chỉnh hạn mức tối thiểu 0,5ha/dự án. Bên cạnh đó, điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp với chi phí thực tế thị trường, đảm bảo cho người dân tham gia trồng hoa ban có thu nhập bằng với thu nhập khi tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp thông thường khác.

Việc phân cấp để chủ động thực hiện chính sách cũng là một nội dung được chính quyền nhiều huyện băn khoăn. Đơn cử việc cung cấp vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi đang được giao cho Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì. Giai đoạn 2019 - 2022, Chi cục Thú y đã cung cấp hơn 3,6 triệu liều vắc xin các loại cho 10 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả tiêm phòng đạt 68,63% kế hoạch các huyện đăng ký. Song việc mua vắc xin mất nhiều thời gian đã ảnh hưởng tới tiến độ tiêm phòng tại các địa phương.

Đại diện UBND huyện Mường Chà cho rằng chính sách hỗ trợ vắc xin phòng bệnh cho gia súc nên phân cấp về cho chính quyền cấp huyện để huyện chủ động trong công tác phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Về vấn đề này, ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y lại có quan điểm khác: Việc phân cấp cung ứng vắc xin thuộc về vấn đề… quản lý vĩ mô. Chi cục Thú y luôn cố gắng đẩy nhanh tiến độ cung cấp vắc xin cho các địa phương triển khai tiêm phòng. Nhưng việc mua vắc xin phải thực hiện đúng quy trình theo Luật Đấu thầu nên mất nhiều thời gian, khoảng 2 - 3 tháng. Phòng bệnh cho vật nuôi là phòng dịch quần thể nên phải triển khai tiêm phòng đồng loạt, cùng lúc, cùng thời điểm mới đạt hiệu quả. Nếu phân cấp cho cấp huyện, việc triển khai đồng loạt là rất khó khăn, huyện triển khai sớm, huyện triển khai muộn dẫn đến hiệu quả phòng dịch không cao.

Nhiều chính sách chưa thể thực hiện

Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND, đến nay vẫn còn 8/23 nội dung các địa phương chưa thực hiện được. Gồm: Hỗ trợ công tác chỉ đạo, tuyên truyền cho Ban quản lý cấp xã, hợp tác xã hoặc Ban nông nghiệp thôn bản để dồn điền đổi thửa; hỗ trợ công tác đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dồn điền đổi thửa; hỗ trợ tiêu thụ xúc tiến thương mại; cải tạo đàn trâu, bò địa phương bằng phối giống trực tiếp; thiến trâu, bò đực không đủ tiêu chuẩn làm con giống; hỗ trợ mở điểm thụ tinh nhân tạo mới và đào tạo kỹ thuật viên dẫn tinh; chi lập hồ sơ giao khoán lần đầu đối với trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi rừng tái sinh không trồng bổ sung và bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển nuôi cá tầm/cá hồi vân trong bể xây.

Đến năm 2023, huyện Điện Biên Đông chỉ thực hiện được 1/23 nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND. Đó là hỗ trợ tiền công, vật tư, dụng cụ tiêm phòng, công phun hóa chất sát trùng. Lý giải nguyên nhân, ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông trả lời ngắn gọn: Do thiếu kinh phí!

Từ năm 2019 - 2022, huyện Điện Biên Đông được giao kinh phí 1,45 - 2 tỷ đồng/năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND. Với nguồn kinh phí trên, UBND huyện chỉ xây dựng kế hoạch triển khai 2 nội dung: Hỗ trợ tiền công, vật tư, dụng cụ tiêm phòng, công phun hóa chất sát trùng và triển khai dự án liên kết sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do không tìm được chủ thể liên kết nên các dự án liên kết không thực hiện được.

Hỗ trợ phát triển thủy sản cũng là một trong những nội dung khó thực hiện tại nhiều địa phương. Điển hình là huyện Mường Chà, giai đoạn 2019 - 2020 không thực hiện hỗ trợ phát triển thủy sản.

Ông Vũ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Trên địa bàn huyện Mường Chà có nhiều hồ thủy điện, song tất cả đều không thể nuôi thủy sản. Lý do là mực nước các hồ thủy điện lên xuống theo ngày, có thể buổi sáng nước dâng đầy hồ nhưng đến chiều tối mực nước xuống rất thấp.

Còn tại huyện Điện Biên, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, cá tầm, chép giòn, trắm giòn… chưa thể triển khai vì các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa có nhu cầu đăng ký. Chính sách hỗ trợ nuôi cá tầm, cá hồi vân trong bể xây cũng chưa thể thực hiện. Một phần do chưa có chủ thể đăng ký, phần khác do điều kiện tự nhiên, nguồn nước, khí hậu trên địa bàn huyện không phù hợp nuôi các loại cá này.

Cũng giống như cây hoa ban, hoa anh đào đã và đang được tỉnh Điện Biên khuyến khích và có chính sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình trồng tập trung. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ trồng hoa anh đào được rất ít địa phương lựa chọn thực hiện.

TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên được cho là phù hợp để thực hiện các dự án trồng hoa anh đào. Nhưng giai đoạn 2019 - 2022, huyện Điện Biên chưa triển khai chính sách hỗ trợ phát triển cây hoa anh đào theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND, huyện chỉ trồng phân tán 12 cây hoa anh đào bằng nguồn ngân sách địa phương.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho rằng: Bên cạnh các quy định về định mức diện tích tối tiểu, nguồn kinh phí hỗ trợ chưa phù hợp, thì trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có cơ sở sản xuất, đơn vị cung ứng giống cây hoa anh đào đảm bảo về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn. Đồng thời, cũng chưa có những nghiên cứu, đánh giá, hướng dẫn về quy trình trồng và chăm sóc, đặc tính phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của hoa anh đào. Do đó, huyện không triển khai thực hiện.

Để phát huy tối đa hiệu quả, ý nghĩa chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND thì sớm điều chỉnh, bổ sung khắc phục những vướng mắc, bất cập là việc cấp thiết.

Bài 3: Để nghị quyết đi vào cuộc sống

Bài, ảnh: Phạm Trung - Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top