Tăng cường phối hợp phòng, chống gian lận thương mại

08:36 - Thứ Năm, 20/04/2023 Lượt xem: 3189 In bài viết

ĐBP - Sau khi kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá có xu hướng tăng dần, nhu cầu giao thương, mua bán hàng hóa của người dân tăng mạnh và ngày càng đa dạng. Nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, thời gian qua các lực lượng chức năng (quản lý thị trường, biên phòng, công an, hải quan) đã tăng cường công tác phối hợp, triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm về thương mại trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên Siêu thị Hoa Ba rà soát lại hàng hóa niêm yết giá.

Các lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người dân. Nhất là các hành vi không thực hiện quy định niêm yết giá; kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, kinh doanh hàng giả… Trong quý I/2023, các lực lượng chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 698 lượt cơ sở; phát hiện, xử lý 481 vụ với 524 đối tượng vi phạm quy định pháp luật. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; buôn lậu... Có được kết quả đó là sự phối hợp chặt chẽ từ trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng cơ sở, quản lý địa bàn... của các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp, tham gia tích cực của doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin về dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đây là kênh thông tin quan trọng giúp lực lượng phối hợp ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vi phạm.

Khó khăn hiện nay trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là địa bàn quản lý rộng, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông còn hạn chế; phương thức thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng tinh vi, phức tạp. Trong khi lực lượng làm nhiệm vụ còn mỏng; hệ thống văn bản pháp luật mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa đồng bộ gây khó khăn khi áp dụng vào thực tế. Cùng với đó, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo ổn định, lành mạnh thị trường, bảo vệ hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh làm ăn chân chính, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp nắm tình hình địa bàn, đẩy mạnh trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt thực hiện phối hợp toàn diện từ cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu; tổ chức kiểm tra, đấu tranh; bàn giao, tiếp nhận, xử lý các vụ việc theo thẩm quyền. Chủ động theo dõi diễn biến tình hình cung - cầu hàng hóa trên thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn. Kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh gây bất ổn thị trường để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột biến. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn ký và thực hiện cam kết không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại. Công bố, công khai các đối tượng có hành vi vi phạm nghiêm trọng, các vụ việc tính chất, quy mô lớn cùng với kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm để người dân biết.

Thành Đạt
Bình luận
Back To Top