Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững

09:30 - Thứ Hai, 24/04/2023 Lượt xem: 4084 In bài viết

ĐBP - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đồng thời, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Chương trình, đến nay tỉnh Điện Biên đã có 56 sản phẩm, gồm 4 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 52 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP đã khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn, bất cập.

Bài 1: Loay hoay trong “ao làng”

Triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng xây dựng và phát triển sản phẩm mang tính vùng miền, đặc trưng của địa bàn. Song việc phát triển về quy mô sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm chưa thực sự được chú trọng. Hiện nay, không ít sản phẩm OCOP gặp khó khăn trong khâu sản xuất, tiêu thụ, thậm chí có sản phẩm “đứt gánh” giữa đường.

Sản phẩm OCOP bí xanh Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) từng được trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ thương mại nhưng đến nay đã đứt gãy liên kết.

“Sớm nở tối tàn”

Giai đoạn 2019 - 2022, các địa phương đều lựa chọn các sản phẩm đặc sản để xây dựng sản phẩm OCOP, đồng thời lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đang có hoạt động kinh doanh sản phẩm đó làm chủ thể kinh tế. Các mô hình, dự án liên kết nhanh chóng hình thành. Song, việc chứng nhận sản phẩm OCOP nhanh chóng cũng là nguyên nhân khiến các liên kết thiếu tính bền vững, hoạt động kém hiệu quả chỉ sau một vài năm đạt chuẩn.

Năm 2019, huyện Điện Biên Đông lựa chọn 4 sản phẩm đặc sản địa phương: Lạc đỏ Na Son; bí xanh Tìa Dình; khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn sấy để xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời, lựa chọn HTX nông nghiệp CCO là chủ thể kinh tế của cả 4 sản phẩm trên. HTX cung cấp giống, quy trình kỹ thuật và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hội đồng thẩm định, xét duyệt huyện Điện Biên Đông nhanh chóng duyệt các sản phẩm và trình hồ sơ lên hội đồng cấp tỉnh. Năm đó, cả 4 sản phẩm đều được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao.

Sau khi đạt chuẩn, 1 - 2 vụ đầu tiên, liên kết vận hành khá trơn tru. Sản phẩm sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Tuy nhiên, những vụ sản xuất sau, các vấn đề xung đột lợi ích bắt đầu xảy ra. Các rạn nứt liên kết không được giải quyết dứt điểm, lâu dần khiến liên kết bị đứt gãy hoàn toàn. Hiện nay, chủ thể kinh tế không còn chịu trách nhiệm hướng dẫn về quy trình sản xuất, cung cấp cây giống cũng như bao tiêu sản phẩm. Các sản phẩm OCOP của huyện Điện Biên Đông quay lại thời kỳ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự sản tự tiêu.

Ông Bùi Xuân Thức, Bí thư Đảng ủy xã Phì Nhừ cho biết: Nguyên nhân chính liên kết bị phá vỡ là do các hộ dân không tuân thủ hợp đồng ký kết, nhất là trong khâu thu hoạch và bán sản phẩm. Đến mùa thu hoạch người dân tự ý bán khoai sọ cho tư thương với giá cao hơn. Tuy nhiên, tư thương chỉ mua giá cao với củ to, đẹp trong khi thực tế một tạ khoai chỉ có khoảng 20kg loại đẹp, còn lại là loại bé, xấu. HTX không tiếp tục bao tiêu sản phẩm, người dân không bán được khoai nên nhiều hộ bỏ trồng.

Tương tự tại huyện Tủa Chùa, năm 2020 sản phẩm đặc sản khoai sọ tím Tủa Chùa với chủ thể kinh tế là HTX H’Mông được công nhận sản phẩm OCOP, diện tích vùng trồng 4ha. Một năm sau khi được công nhận, HTX H’Mông có biến động về nhân sự, bộ máy khiến liên kết bị đứt gãy. Hợp tác không còn chú trọng phát triển sản phẩm khoai sọ tím mà thay vào đó là giống khoai sọ trắng thơm. Sau hơn 3 năm, diện tích vùng nguyên liệu khoai sọ tím chỉ đạt từ 5 - 6ha, toàn bộ diện tích còn lại, HTX triển khai trồng khoai sọ trắng thơm. Được biết, năm 2023 HTX dự kiến trồng thêm 40ha khoai sọ trắng thơm tại 4 xã phía Bắc huyện Tủa Chùa, còn khoai sọ tím thì không.

Có 2 nguyên nhân chính khiến các liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm OCOP bị đứt gãy, gián đoạn: Thứ nhất, nếu chủ thể không có kế hoạch sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu; phương án kinh doanh hiệu quả thì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc vùng nguyên liệu không đủ để phục vụ nhu cầu thị trường. Thứ hai là chính quyền địa phương chưa sâu sát, đồng hành cùng chủ thể để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc quá trong trình phát triển sản phẩm, từ đó đề ra những giải pháp tháo gỡ, giải quyết dứt điểm.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương cần đồng hành cùng chủ thể tập trung công tác tuyên truyền, vận động để các hộ sản xuất hiểu được giá trị của sản phẩm OCOP, lợi ích của việc tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan chuyên môn phải xây dựng phương án sản xuất cụ thể, phân công cán bộ phối hợp với chủ thể hỗ trợ người sản xuất về quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh… đảm bảo thực hiện đúng cam kết, hợp đồng liên kết.

Khó phát triển vùng nguyên liệu

Một hạn chế của nông sản đặc sản là sản xuất theo mùa vụ. Do đó, nếu chủ thể kinh tế không có vùng nguyên liệu đủ lớn, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật để bảo quản và chế biến sâu sản phẩm thì rất khó đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sản phẩm chè Tủa Chùa là một trong số ít sản phẩm OCOP của tỉnh được chủ thể kinh tế chú trọng ứng dụng công nghệ chế biến sâu với mục tiêu cung cấp sản phẩm phục vụ thị trường quanh năm thay vì chỉ bán theo vụ thu hoạch chè như trước đây. Để thực hiện được mục tiêu đó, ngoài vùng nguyên liệu diện tích khoảng 100ha chè cây thấp tại xã Sính Phình, Tả Phìn, Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên đang hướng đến vùng chè cổ thụ tại các xã: Sín Chải và Tả Sìn Thàng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên thì: Việc mở rộng vùng nguyên liệu chè cây cao cổ thụ khó khăn. Công ty gặp phải sự cạnh tranh rất lớn đến từ tư thương các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, thậm chí có cả tư thương đến từ các nước Lào và Trung Quốc. Diện tích chè cổ thụ ít, tư thương sẵn sàng trả giá rất cao trong khi Công ty chưa đủ năng lực để cạnh tranh về giá.

Ông Giàng A Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải cho biết: Để hỗ trợ chủ thể kinh tế phát triển sản phẩm OCOP chè Tủa Chùa, UBND xã Sín Chải đã tích cực tuyên truyền đến người dân trồng chè trên địa bàn liên kết, bán sản phẩm cho Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên, song hiệu quả không cao. Bởi vì rừng chè cổ thụ đều thuộc sở hữu của các hộ dân, người dân thấy tư thương trả giá cao thì bán thôi.

Hiện nay, việc mở rộng vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP hoàn toàn dựa vào năng lực của các chủ thể kinh tế. Chính quyền địa phương khó hỗ trợ, can thiệp. Như trường hợp của Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên, UBND huyện Tủa Chùa không thể ban hành chính sách trợ giá để Công ty cạnh tranh giá với các tư thương. Chính vì vậy, một số chủ thể kinh tế đã từ bỏ ý tưởng mở rộng vùng nguyên liệu. Đơn cử như trường hợp của HTX Kiên Trung (xã Pa Ham, huyện Mường Chà) với sản phẩm OCOP bưởi da xanh. Năm 2021, sản phẩm bưởi da xanh được UBND huyện Mường Chà xây dựng thành sản phẩm OCOP, vùng nguyên liệu vỏn vẹn 3,5ha tại bản Phong Châu, xã Pa Ham nhưng HTX không có ý định mở rộng vùng nguyên liệu. Hiện nay, 100% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 10 tấn/vụ. Sản phẩm chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện Mường Chà và một số huyện lân cận.

Thực tế cho thấy, sản phẩm OCOP là nông sản đặc sản rất hạn chế về vùng nguyên liệu. Một phần là do liên kết sản xuất thiếu bền vững; mặt khác, một số chủ thể kinh tế chưa thật sự chú trọng phát triển vùng nguyên liệu. Đơn cử như Công ty Cổ phần cà phê Quốc Tế Hồng Kỳ - Cơ sở xuất cà phê Hồng Kỳ (huyện Tuần Giáo) chú trọng ứng dụng công nghệ chế biến sâu sản phẩm, song nguyên liệu không ổn định do chủ thể không thực hiện liên kết mà mua trực tiếp với các hộ trồng cà phê. Do đó, năm nào mua được nhiều thì sản lượng sản phẩm lớn và ngược lại.

Bài 2: Chủ thể kinh tế vẫn “tự bơi”

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top