Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Chưa đạt như kỳ vọng

15:25 - Thứ Ba, 25/04/2023 Lượt xem: 2240 In bài viết

Cuối năm 2022, hoạt động đầu tư nước ngoài năm 2023 tại Việt Nam được dự báo có thể phục hồi rõ nét và tăng trưởng khả quan nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát và kinh tế thế giới được hy vọng phục hồi trên diện rộng. Tuy nhiên, kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của nước ta trên thực tế lại chưa đạt như kỳ vọng.

Vận hành dây chuyền sản xuất máy in tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh). Ảnh: Nhật Nam

Kết quả suy giảm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I-2023, Việt Nam thu hút 5,45 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do những biến động và bất lợi trên thế giới vẫn tiếp diễn ngoài mong muốn, kìm hãm sự tăng trưởng tại các đối tác lớn của Việt Nam.

Điều đó dẫn đến nhiều nhà đầu tư tạm ngừng hoặc giảm tốc độ nghiên cứu, triển khai dự án mới. Nhiều nhà đầu tư buộc phải dừng lại ở bước thăm dò, cân nhắc kỹ hơn trước khi ra quyết định đầu tư còn vì sự trục trặc, bất định và đứt quãng của chuỗi cung ứng trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cũng giảm mạnh trên toàn cầu. Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, sự bất ổn của kinh tế toàn cầu khiến doanh nghiệp nước ngoài e dè khi mở rộng đầu tư.

Bên cạnh đó, tốc độ triển khai các dự án đã cấp phép cũng chậm lại vì tâm lý e ngại về tương lai thị trường. Theo Tổng cục Thống kê, lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong quý I-2023 chỉ đạt trên 4,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này trái ngược với xu hướng kết quả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên tăng từ 5% đến 8% trong các quý trước.

Diễn biến trên nằm ngoài dự báo bởi hầu hết các đối tác lớn, có nguồn lực mạnh về vốn và công nghệ đều đánh giá tốt về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam. Đơn cử, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam xác nhận, Việt Nam là trọng điểm đầu tư nhờ tiềm năng, sự ổn định cũng như khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, VCCI cũng ghi nhận, doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đánh giá tích cực về chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam, nhất là chi phí thực thi quy định đã giảm đáng kể. Thời gian để giải quyết thủ tục hành chính cũng như chi phí không chính thức cũng giảm rõ rệt. Ngoài ra, Việt Nam cũng có sự cải thiện đáng kể và liên tục về hệ thống kết cấu hạ tầng; nguồn nhân lực trẻ dồi dào bên cạnh thuận lợi về xuất khẩu sản phẩm do đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do…

Chủ động hiện thực hóa kỳ vọng

Để chủ động phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội, chờ bứt phá trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ đang quyết tâm, tập trung giải pháp hướng dòng vốn ngoại “chảy” vào Việt Nam mạnh hơn.

Mới nhất, ngày 22-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Một lần nữa người đứng đầu Chính phủ khẳng định sự chia sẻ, đồng hành cùng nhà đầu tư nước ngoài, sự nhất quán trong điều hành các lĩnh vực liên quan đến đầu tư nước ngoài và tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh trên nguyên tắc hài hòa lợi ích.

Tinh thần đồng hành cũng được cụ thể hóa trong các kế hoạch hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Đó là, nghiên cứu để có phản ứng chính sách phù hợp đối với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, bổ sung một số nội dung liên quan đến đầu tư và kinh doanh, nghiên cứu cơ chế hợp tác với các tập đoàn nhằm đào tạo lao động theo “đơn đặt hàng” cũng như đẩy mạnh hỗ trợ thuế quan cho doanh nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ.

Về phía cộng đồng nhà đầu tư, dù đang trong thời gian “chậm lại và nghe ngóng” nhưng nhiều đối tác vẫn chắt lọc cơ hội, tìm thời điểm thích hợp để triển khai dự án mới hoặc mở rộng dự án đang hoạt động. Giới đầu tư Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đều cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư an toàn, hấp dẫn.

Kết quả khảo sát của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, khoảng 60% nhà đầu tư sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Đáng lưu ý là nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; kết hợp với mục đích dịch chuyển cơ sở sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Như vậy, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để hiện thực hóa kỳ vọng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, giải pháp quan trọng là duy trì và đẩy mạnh đà cải cách, chủ động tìm kiếm cơ hội. Trong khi đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần kết hợp hài hòa giữa hỗ trợ nhà đầu tư với khuyến khích, chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top