Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững (bài 2)

14:32 - Thứ Tư, 26/04/2023 Lượt xem: 3083 In bài viết

Bài 2: Chủ thể kinh tế vẫn “tự bơi”

ĐBP - Sau khi đạt chuẩn OCOP, các cấp, ngành, chính quyền địa phương đã có những hỗ trợ công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, tất cả những hỗ trợ đều “chưa tới” tầm, chưa có giải pháp đột phá, các chủ thể kinh tế vẫn đang “tự bơi”. Chủ thể nào có nguồn lực chăm chút cho “đứa con” của mình thì sản phẩm đó phát triển. Ngược lại, chủ thể năng lực hạn chế thì sản phẩm duy trì cầm chừng, thậm chí “chết yểu”.

Bài 1: Loay hoay trong “ao làng”

Sản phẩm OCOP miến dong Lộc Biên của HTX Miến dong Lộc Biên chủ yếu bán cho các mối quen từ trước.

Hỗ trợ chưa tới

Để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành và lồng ghép nhiều chính sách, nguồn vốn để phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ các chủ thể máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, triển khai các dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cũng thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, sàn thương mại điện tử, thông qua các trang mạng xã hội nhằm hỗ trợ kết nối tìm kiếm cơ hội thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết nối với trên 60 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ nông sản và chủ thể kinh tế các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tạo thành một nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo và facebook. Sau đó, tiếp tục kết nối các thành viên vào các nhóm tiêu thụ nông sản toàn quốc như: Câu lạc bộ sản phẩm OCOP toàn quốc; Câu lạc bộ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn…

Tuy nhiên, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ trên chưa như kỳ vọng của các chủ thể kinh tế cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Rất ít các hợp đồng kinh tế được ký kết thông qua các hoạt động hỗ trợ như vậy.

Ông Đặng Văn Lộc, Giám đốc HTX Miến dong Lộc Biên (chủ thể kinh tế sản phẩm OCOP Miến dong Lộc Biên) cho biết: Mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 70 - 80 tấn miến dong thành phẩm. Nguồn tiêu thụ chủ yếu là các mối quen từ trước. Thời gian gần đây, HTX đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử, nền tảng số. Đối với việc tham gia các nhóm do các sở, ngành giới thiệu chưa mang lại hiệu quả, tỷ lệ sản phẩm được bán trên các nền tảng đó rất ít.

Trong chuỗi hoạt động hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, năm 2021 tỉnh Điện Biên đã ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP với tỉnh Quảng Ninh. Trọng tâm là: Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai chương trình OCOP; thường xuyên chia sẻ thông tin về nhu cầu thị trường của 2 địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, kết quả cam kết chưa nhiều, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa 2 tỉnh chưa được triển khai hiệu quả.

Công tác xúc tiến thương mại là khâu quan trọng trong phát triển các sản phẩm OCOP. Những năm qua, Sở Công Thương đã triển khai các hội chợ thương mại, tạo điều kiện để các chủ thể kinh tế giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Mặc dù vậy, không phải tất cả các sản phẩm OCOP đều được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các chủ thể kinh tế chỉ được hỗ trợ một phần hoặc không được hỗ trợ kinh phí trong suốt quá trình diễn ra hoạt động, sự kiện.

Nhiều chủ thể kinh tế cho rằng doanh thu bán hàng tại nhiều hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại chỉ đủ trang trải chi phí ăn, ở, vận chuyển và gian hàng.

Tại nhiều tỉnh, sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại các điểm trung tâm đông người qua lại; tại các khu du lịch, gắn việc giới thiệu, bán sản phẩm OCOP vào các hoạt động du lịch địa phương, nằm trong các tour tuyến du lịch. Tại tỉnh Điện Biên, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, phát triển được 56 sản phẩm nhưng đến nay toàn tỉnh chưa có điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP chính thức.

Năng lực hạn chế

Gạo Tâm Sáng tám thơm và Gạo Tâm Sáng séng cù của HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) là 2 sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh, mang tính chất liên kết cộng đồng. Chủ thể kinh tế tổ chức bộ máy chuyên nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, mỗi vụ lúa HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên xuất bán ra thị trường trên 500 tấn gạo thành phẩm. Sản phẩm OCOP của HTX đã thâm nhập vào các siêu thị lớn của các thị trường khó tính như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… Tuy nhiên, việc mở rộng vùng nguyên liệu đang là khó khăn lớn nhất đối với chủ thể kinh tế này. Nguyên nhân là do HTX không đủ nguồn lực tài chính để mở rộng liên kết.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Huyện có vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo rất lớn, nhất là cánh đồng Mường Thanh với diện tích trên 4.100ha. Những năm qua, UBND huyện đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chủ thể sản phẩm OCOP mở rộng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, do năng lực các chủ thể rất hạn chế nên quy mô vùng nguyên liệu chưa thể mở rộng hơn. Đến nay, toàn huyện có 4 sản phẩm lúa gạo đạt chuẩn OCOP nhưng tổng diện tích vùng nguyên liệu chỉ khoảng 500ha, chiếm 12% tổng diện tích sản xuất lúa gạo ở cánh đồng Mường Thanh.

Mật ong Bánh tổ và Mật ong Hoa Ban là 2 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh xếp hạng 4 sao. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên HTX Ong mật Điện Biên (xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) chưa thể phát triển sản phẩm xứng tầm với tiềm năng, lợi thế.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc HTX Ong mật Điện Biên cho biết: Mỗi năm, HTX bán ra thị trường khoảng 100 tấn mật ong. Nhưng sản phẩm OCOP chỉ chiếm khoảng 20% sản lượng, 80% còn lại là mật thô chưa qua chế biến. Nguyên nhân số lượng sản phẩm OCOP tiêu thụ rất ít là do nguồn lực HTX có hạn nên việc tiếp cận khách hàng, thị trường rất khó khăn. HTX cũng khai thác việc bán hàng trên nền tảng số, song nguồn nhân lực vận hành không thể đáp ứng nên đã bỏ. HTX không dám sản xuất sản phẩm mật ong đạt chuẩn OCOP ồ ạt sợ không tiêu thụ được dẫn đến thua lỗ.

Sản phẩm OCOP đỗ leo 4 mùa của HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống thì lại gặp khó khăn khác. Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống cho biết: 90% sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại chợ đầu mối các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… Mặc dù sản phẩm đã được công nhận chuẩn OCOP, song hiện nay HTX chưa sử dụng nhãn hiệu OCOP trong kinh doanh. Sản phẩm chỉ được dán nhãn hiệu OCOP khi HTX mang đi giới thiệu tại các cửa hàng trên địa bàn tỉnh nhưng số lượng rất ít. Đối với sản phẩm bán tại chợ đầu mối, nếu dán nhãn mác OCOP thì chi phí sẽ tăng lên, như vậy các đối tác sẽ không mua. Khi nguồn lực đang hạn chế, HTX buộc phải chấp nhận bán hàng chuẩn OCOP, VietGap ngang bằng với các sản phẩm phổ thông, truyền thống.

Những thực tế trên cho thấy, cơ bản các chủ thể kinh tế đang tự xoay sở với các sản phẩm OCOP.

Bài 3: Cần đồng bộ các giải pháp

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top