Sản xuất nông nghiệp hữu cơ

07:10 - Thứ Sáu, 05/05/2023 Lượt xem: 5546 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã tập trung triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, mở ra hướng đi mới giúp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm do Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai tại xã Thanh Chăn.

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm do Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai thực hiện tại xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên). Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Mỹ và phân bón Sumagrow. Về biện pháp canh tác, 100% diện tích được xử lý rơm rạ đầu vụ bằng chế phẩm sinh học, giúp rơm rạ phân hủy nhanh, tạo điều kiện thuận lợi để rễ lúa phát triển tốt, hạn chế tình trạng nghẹt rễ, góp phần cải tạo đất. Qua đánh giá, mô hình giúp giảm lượng phân bón vô cơ xuống 20%, tăng tỷ lệ áp dụng chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật an toàn từ 60 - 80% trong khi không phát sinh chi phí lớn, đồng thời vẫn đảm bảo năng suất so với canh tác truyền thống. Năng suất mô hình ước đạt khoảng 70 tạ/ha, tương đương so với lúa ngoài mô hình nhưng canh tác theo hướng sử dụng chế phẩm sinh học góp phần nâng cao sức đề kháng cây lúa, hạn chế sâu bệnh hại, đồng thời bảo vệ môi trường, góp phần sản xuất bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ như: Vùng nguyên liệu chè Tủa Chùa của Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên được CERES (tổ chức chứng nhận quốc tế) chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ năm 2019 với tổng diện tích 70ha, sản lượng 24 tấn chè khô/năm; mô hình nông nghiệp hữu cơ chè Phan Nhất ở Mường Ảng với các sản phẩm: trà shan tuyết PH.14 hữu cơ Phan Nhất; trà xanh hữu cơ Phan Nhất; trà xanh hữu cơ; Nhất đinh Bạch trà PH.14 hữu cơ...

Với tiềm năng của ngành Nông nghiệp tỉnh thì số lượng sản phẩm được chứng nhận hữu cơ như vậy là rất hạn chế. Thực tế hiện nay, việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn do ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún nên khó quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt hữu cơ; tập quán canh tác của người dân chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất truyền thống; năng lực kỹ thuật, chuyên môn về nông nghiệp hữu cơ còn nhiều hạn chế... Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình khắt khe, ràng buộc bởi nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt hơn các quy trình sản xuất khác. Mặt khác, do chi phí sản xuất theo hướng hữu cơ cao hơn sản xuất truyền thống nên giá thành cũng cao hơn, dẫn đến khó khăn trong cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp truyền thống.

Quy trình sản xuất đã khắt khe, việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ càng khó hơn. Đơn cử, để công nhận sản phẩm gạo hữu cơ, người dân, doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình từ khâu trồng, sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, bảo quản vận chuyển, kế hoạch sản xuất hữu cơ và ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc. Ví dụ, tại khâu trồng trọt thì thời gian chuyển đổi đối với lúa hữu cơ ít nhất 12 tháng từ thời điểm áp dụng sản xuất hữu cơ; khâu thu hoạch phải có biện pháp loại bỏ nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; thu hoạch lúa hữu cơ không được trùng với thời gian thu hoạch lúa thông thường…

Để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, trước hết cần nâng cao nhận thức cho người sản xuất, người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình thuê đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm chi phí cho các đơn vị trong quá trình sản xuất. Khuyến khích thành lập và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ làm cầu nối giữa nông hộ, nông trại với các doanh nghiệp lớn và thị trường. Quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và  các sản phẩm hữu cơ chủ lực. Cùng với đó tăng cường tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và chất lượng sản phẩm đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn đã được chứng nhận khi lưu thông trên thị trường. Nhiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù địa phương về: đất đai, hạ tầng, giống, công nghệ... phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top