Thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học vẫn khó

09:12 - Thứ Năm, 11/05/2023 Lượt xem: 5380 In bài viết

ĐBP - Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, thời gian qua, các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đã tích cực triển khai hướng tới số hóa trường học và đem đến sự thuận tiện cho phụ huynh học sinh. Tuy nhiên dù ngành giáo dục và đào tạo đã quyết tâm, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các nhà trường tổ chức thực hiện, song việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Trường THCS Pom Lót phổ biến hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt đến cán bộ, giáo viên.

Đóng chân trên địa bàn có cơ sở hạ tầng viễn thông tốt với trình độ dân trí khá cao là điều kiện thuận lợi để Trường THCS Pom Lót (huyện Điện Biên) triển khai thực hiện việc thanh toán không sử dụng tiền mặt. Để nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh học sinh thanh toán học phí thông qua các tài khoản ngân hàng, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động phụ huynh chung tay với nhà trường thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc thu, đóng học phí không dùng tiền mặt của trường vẫn khó khăn.

Cô giáo Trần Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Pom Lót chia sẻ: Thực tế hiện nay, hầu hết phụ huynh trong nhà trường đều ở vùng nông thôn nên việc triển khai thu, nộp học phí không sử dụng tiền mặt chưa nhiều. Năm học 2022 - 2023, nhà trường có 565 học sinh nhưng theo thống kê chỉ khoảng 100 phụ huynh có tài khoản ngân hàng trong khi phụ huynh ít giao dịch khiến việc thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt trong trường chưa phát huy hiệu quả. Nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp, tập trung rà soát và thống kê lại các thông tin liên quan đến số tài khoản ngân hàng của phụ huynh. Đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để thời gian tới thực hiện tốt hơn việc thanh toán không dùng tiền mặt trong đóng, nộp học phí. Trường cũng sẽ mở các tài khoản ngân hàng và thông tin đến phụ huynh để thuận lợi hơn cho việc thanh toán.

Để việc thanh toán không sử dụng tiền mặt thuận lợi, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã triển khai, hướng dẫn cha mẹ học sinh, thu thập thông tin số tài khoản ngân hàng và lập danh sách phụ huynh có nhu cầu mở tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, kết quả thu nhận tài khoản ngân hàng còn thấp, đặc biệt tại các xã: Pú Xi, Mường Mùn, Mùn Chung, Nà Tòng, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông, Tênh Phông và Khong Hin. Số cha mẹ học sinh chưa có tài khoản ngân hàng chiếm 60,6%. Tỷ lệ phụ huynh chưa có các thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng…) còn cao (chiếm 35,9%) và nhiều phụ huynh không biết sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Trước thực tế trên, ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo giải thích: Do điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương chưa phát triển, đời sống của đa số nhân dân còn khó khăn, nhiều người dân chưa có điều kiện sử dụng điện thoại di động, máy tính và các thiết bị thông minh để thực hiện thanh toán điện tử. Cùng với hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu ATM tại các xã, khu vực đông dân cư nên nhân dân chủ yếu dùng tiền mặt trong các giao dịch, không có nhu cầu mở tài khoản ngân hàng. Hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã rà soát, thống kê và thu nhận được 9.821/24.950 tài khoản ngân hàng của cha mẹ học sinh; có 16.003/24.950 học sinh có cha mẹ sử dụng điện thoại thông minh. Tổng số cha mẹ học sinh có thể thực hiện phương thức thanh toán học phí và các khoản thu khác không dùng tiền mặt chỉ đạt 9.150/24.950 học sinh.

Tương tự huyện Tuần Giáo, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện Mường Chà cũng gặp khó khăn. Đến nay, tỷ lệ thực hiện thu nhận học phí, thanh toán chế độ chính sách và các khoản thu khác bằng phương thức không sử dụng tiền mặt tại các trường còn thấp, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Bởi hầu hết phụ huynh học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, việc sử dụng điện thoại thông minh, tài khoản ngân hàng rất hạn chế. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo, toàn huyện có gần 11.000 phụ huynh có điện thoại thông minh; 2.890 phụ huynh có tài khoản ngân hàng; số lượng hạn chế như vậy đã trở thành rào cản trong việc thực hiện thanh toán không sử dụng tiền mặt tại các trường học.

Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã thực hiện chi trả chế độ chính sách, tiền lương và các chế độ khác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 100% cơ sở giáo dục sẵn sàng đáp ứng việc thực hiện thu nộp học phí, thanh toán các chế độ hỗ trợ học sinh theo quy định của nhà nước với phương thức không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, tỷ lệ giao dịch thu nộp học phí, chi trả chế độ hỗ trợ cho học sinh qua tài khoản thấp (toàn tỉnh chỉ 17%), riêng thành phố Điện Biên Phủ đạt tỷ lệ 65%.

Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân hạn chế, đặc biệt là vấn đề mở tài khoản ngân hàng, thực hiện các giao dịch điện tử thay cho dùng tiền mặt; một số điểm bản chưa có điện lưới, sóng điện thoại… Hơn nữa, ngành Giáo dục chưa bố trí được kinh phí xây dựng, triển khai các phần mềm quản lý thanh toán một cách tổng thể để hỗ trợ việc thống kê tổng hợp thu nhận học phí và chi trả chế độ chính sách cho học sinh… Vậy nên, việc thực hiện thu nhận học phí theo phương thức không dùng tiền mặt vẫn hạn chế và chủ yếu thực hiện theo phương thức thủ công. Trong đó, học sinh, phụ huynh nộp học phí vào tài khoản của nhà trường, sau đó nhà trường sẽ cử đầu mối phối hợp với ngân hàng để thống kê, quản lý theo lớp học và theo kỳ học.

Việc thực hiện thanh toán không sử dụng tiền mặt sẽ tạo thuận lợi cho cả phụ huynh và nhà trường; góp phần vào việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong trường học. Để việc thanh toán không sử dụng tiền mặt triển khai rộng khắp các cơ sở giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cùng với sự quyết tâm từ phía các cơ sở giáo dục hướng tới mục tiêu, tỷ lệ thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt năm học 2023 - 2024 đạt tối thiểu 40%, trong đó thành phố Điện Biên Phủ đạt tỷ lệ tối thiểu 75%.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top