Đưa thảo quả lên đỉnh mây mù

07:03 - Thứ Bảy, 13/05/2023 Lượt xem: 4343 In bài viết

ĐBP - Đỉnh Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) quanh năm mây mù, sương giăng. Nơi đây nổi tiếng là thủ phủ của cây thảo quả nói riêng, dược liệu nói chung của huyện. Và là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư dự án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Để có được thành quả ấy, khởi nguồn từ đôi tay cần mẫn của một người đàn ông dân tộc Mông - cũng là nguyên Bí thư Chi bộ xã Tênh Phông (nay là Đảng bộ) đã đưa những hạt giống thảo quả đầu tiên lên gieo trồng mảnh đất này.

Người dân bản Ten Hon, xã Tênh Phông kiểm tra sự phát triển của cây thảo quả dưới tán rừng.

Lấy thảo quả thay thế cây thuốc phiện

Người đàn ông ấy là Vừ Khua Xá (sinh năm 1947), người bản Đề Chia B, xã Pú Nhung. Ông từng là Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Pú Nhung. Sau đó được cử đi học, về làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy. Đến năm 1991, ông nhận nhiệm vụ mới - Bí thư Chi bộ xã Tênh Phông với trọng trách xây dựng tổ chức đảng và tìm hướng khai mở, phát triển mảnh đất vùng cao còn nhiều cách trở, không chỉ mịt mù mây che mà còn mịt mùng trong khói thuốc phiện này.

100% người dân Tênh Phông là đồng bào dân tộc Mông. Đầu những năm 90 trở về trước, nơi đây bạt ngàn thuốc phiện. Trên nương, thay vì lúa, ngô, khoai sắn là thuốc phiện. Nhà nhà trồng, người người hút. Bởi vậy Tênh Phông mãi chìm trong nghèo khó, lạc hậu. Trước trăn trở làm gì để bà con thoát nghèo, chấm dứt cuộc sống tối tăm, cơ cực, ông Xá nghĩ: “Chỉ có xóa bỏ thuốc phiện”. Ông nhớ lại, trước đó giai đoạn 1981 - 1985, ông đã được điều động lên biên giới huyện Phong Thổ (nay thuộc tỉnh Lai Châu) tham gia chống giặc phương Bắc. Có lần ông đi giúp dân bản Sin Suối Hồ thu hoạch thảo quả, thấy loại cây này có hiệu quả kinh tế cao. Ông Xá kể: “Khí hậu, thổ nhưỡng ở Sin Suối Hồ và Tênh Phông có điểm tương đồng. Diện tích rừng ở Tênh Phông cũng nhiều nữa, trồng thảo quả chắc chắn thuận lợi. Nghĩ thế nên tôi xin hạt về trồng thử. Trước tiên thì mình tự trồng thí điểm, được thì sẽ hướng dẫn bà con làm theo”.

Từ những hạt giống đầu tiên, không ai ngờ rằng, chỉ ít năm sau, những mảnh nương thuốc phiện đã được phủ kín bằng loại cây mới - thảo quả. Nhưng để xóa bỏ được cây gieo rắc cái chết kia, ông Xá đã không chỉ vất vả mà còn phải “liều”. Khi ấy, sau khi ông trồng thử nghiệm thì vận động thêm được 2 hộ dân đồng ý trồng. Giá năm ấy là 15.000 đồng/1kg thảo quả khô nhưng đến mùa thu hoạch, các hộ đưa ra Tuần Giáo bán không ai mua. “Họ về nói với tôi là “Ông Xá này nhá! Bảo trồng thảo quả thay thuốc phiện, bán có tiền ăn mà có thay được đâu, có ai mua đâu”. Tôi biết thảo quả có giá trị kinh tế, chỉ là chưa tìm được đầu ra nên mạnh dạn bảo không ai mua thì mang bán cho tôi. Rồi túc tắc tự xuôi núi chở thảo quả đi bán” - ông Xá chia sẻ. Nhờ đó, các hộ vẫn duy trì trồng thảo quả.

Vậy mà chỉ 2 năm sau - năm 1998, ông Xá “trúng quả lớn”. Không chỉ bán quả, mà người ngoài tỉnh tìm đến tận nơi hỏi mua cây giống. Ông Xá bán hết 1 ô thảo quả được 54 triệu đồng. Ông hào hứng kể lại: “Lúc ấy tôi ôm đống tiền khóc, đã bao giờ có nhiều tiền thế đâu, bằng cả một gia tài. Ban đầu vận động nhưng bà con không trồng thảo quả, đến khi mình trồng có tiền thì người dân bảo phải làm như ông Xá”. Thế rồi nhiều hộ dân tìm đến Bí thư Xá. Ông vừa nhân giống cây cho bà con, vừa chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, khuyến khích các bản cùng trồng. Nhờ đó cây thuốc phiện dần được xóa bỏ hoàn toàn, người dân chịu khó làm ăn, đua nhau trồng thảo quả và các cây dược liệu khác. Ông gắn bó với Tênh Phông đến khi nghỉ hưu (năm 2005) và hoàn thành tạo bước đệm cho Tênh Phông trở thành vùng đất của thảo quả, dược liệu.

Phát huy giá trị cây “mũi nhọn”

Những thông tin ông Vừ Khua Xá chia sẻ ở trên được Chủ tịch UBND xã Tênh Phông - anh Mùa A Dụa xác nhận. Đồng thời anh Dụa cho biết thêm: “Thảo quả hiện là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân, giúp xóa đói giảm nghèo tại địa bàn, được người dân duy trì, chăm sóc”.

Được biết toàn xã Tênh Phông hiện có trên 83ha thảo quả, tập trung dưới tán rừng 3 bản Ten Hon, Há Dùa, Xá Tự. Thảo quả là loại cây không tốn nhiều công sức và phân bón chăm sóc, không phải trồng lại hay trồng mới hàng năm; thu hoạch vào tháng 9, 10. Vụ trước (năm 2022), thảo quả được mùa với 35 tấn quả khô, tăng cao so với năm 2021 (20 tấn khô). Dù năm vừa rồi được mùa mất giá (70.000 - 80.000 đồng/kg khô) nhưng vẫn tạo nguồn thu đáng kể cho các hộ dân.

Ở bản Ten Hon, 125/128 hộ trong bản trồng và sống bằng thảo quả, với tổng diện tích hơn 30ha. Ông Mùa A Lầu, Trưởng bản chia sẻ: “Từ khi trồng thảo quả, các hộ dân bản Ten Hon có của ăn của để, ít trường hợp thiếu đói và cũng không còn tình trạng trồng các loại cây bất hợp pháp. Thảo quả thường thu hoạch nửa cuối năm, giúp nhiều gia đình sửa được nhà ở kiên cố, vững chãi và sắm sửa tươm tất đón năm mới”.

Ông Vừ Khua Xá với gian phòng đầy ắp hình ảnh kỷ niệm cùng các bằng khen, giấy khen từ địa phương đến Trung ương.

Tương tự, tại bản Há Dùa, 22ha thảo quả hiện cũng đang là nguồn thu chính của 47/49 hộ dân. Cả bản chỉ còn 7 hộ mới tách là ở nhà tạm, các gia đình khác đều có nhà kiên cố, khang trang. Từ tiền bán thảo quả, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm thêm các cây dược liệu có giá trị khác, như: Quế, hồi, sâm...

Thảo quả mà ông Vừ Khua Xá ươm trồng trên mảnh đất mây mù thực sự đã giúp các hộ dân trên địa bàn xã vươn lên có cuộc sống đủ đầy hơn. Mới đây, thảo quả sấy khô của Hợp tác xã Nông lâm sản bản Ten Hon còn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, có thêm nhiều điều kiện và cơ hội phát triển. Anh Mùa A Dụa, Chủ tịch UBND xã cũng cho biết thêm: “Tranh thủ các nguồn vốn, UBND xã dự kiến đầu tư máy sấy thảo quả với công suất 500kg/mẻ cho Hợp tác xã để tăng hiệu quả sơ chế và phát huy tốt hơn nữa giá trị nông sản. Đồng thời tiếp tục vận động người dân chăm sóc, bảo vệ tốt thảo quả, song song phát triển thêm các loại cây dược liệu khác dưới tán rừng”.

Tài sản để lại là những vườn cây

Ở tuổi 76, ông Vừ Khua Xá vui vẻ nói: “Người Mông quan niệm, khi bà mất đi thì con cháu chia nhau quần áo, khi ông mất thì chia nhau trâu bò. Tôi chỉ có những vườn cây, sau này là tài sản để lại cho con cháu”. Quả thực, ông Xá là người cả đời gắn bó với các loại cây trồng. Ông để lại không chỉ phong trào trồng thảo quả, dược liệu cho người dân Tênh Phông mà còn những vườn cây, đức tính cần cù, không ngại khó ngại khổ, cùng tri thức và niềm tự hào cho con cháu.

Trong gian nhà gỗ truyền thống của người Mông, bằng khen, giấy khen các cấp từ địa phương đến Trung ương của ông Vừ Khua Xá treo kín vách tường. Đó là Huân chương kháng chiến hạng Nhất; bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ, trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, điển hình sản xuất kinh tế giỏi... Trên cánh tủ gỗ ngoài hiên thì dán những mẩu giấy nhỏ, ghi “21/8/2018 trồng 54 cây na”, “28/1/2019 trồng cây thông Caribe”, “28/5/2020 trồng 187 cây mắc ca”, “5/2/2023 trồng cây vải không hạt”... Với đặc thù vùng cao đất đai rộng rãi, ông Xá trồng đủ loại cây, quanh nhà luôn xanh mát, cây ăn quả bốn mùa.

Ông Xá chia sẻ: “Tôi nghỉ hưu, không có việc gì, ở nhà ngồi một tí là “ngứa ngáy” chân tay. Vì thế tôi trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, vải, na... Còn sức tự chăm sóc, trồng cây được thì làm cho vui và chủ yếu phục vụ con cháu thôi”. Với sự cần cù ấy, mới đây, ông cũng vẫn tự mình đi xe máy từ Pú Nhung lên Tênh Phông phát dọn cỏ cho nương thảo quả mà ông gắn bó từ hồi còn công tác. Ngoài ra, ông tự đầu tư, trồng, chăm sóc gần 1ha hồi, 1ha cây thông, 400 cây dổi, 400 cây xoan... Mọi loại cây đều do chính tay ông trông nom, tự tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc qua sách, báo, ti vi.

Ông Vừ Khua Xá không chỉ là một đảng viên, nguyên Bí thư xã tâm huyết, gương mẫu, người đầu tiên đưa thảo quả lên Tênh Phông thay thế cây thuốc phiện, mà còn ghi dấu ấn trong lòng mọi người với hình ảnh một lão nông cần mẫn và là tấm gương sáng cho con cháu, nhân dân noi theo.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top