Quan tâm đầu tư lưới điện phục vụ khách hàng

16:15 - Thứ Hai, 15/05/2023 Lượt xem: 4058 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, ngành Điện lực tỉnh luôn chú trọng công tác đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện, nâng cấp hạ tầng đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Công nhân Điện lực Tủa Chùa đóng điện Trạm san tải, giảm bán kính cấp điện tại trạm biến áp Tân Phong. Ảnh: Đức Kiên

Được khởi công từ tháng 2/2023, 2 trạm biến áp (Đội 6 và Tân Phong) thuộc Dự án San tải, giảm bán kính cấp điện các trạm biến áp phân phối và cải tạo lưới điện hạ áp để nâng cao độ ổn định cung cấp điện khu vực Tủa Chùa vừa bàn giao đưa vào sử dụng. Dự án được thi công bởi liên danh: Công ty Cổ phần xây lắp điện và Công nghệ viễn thông Hà Nội - Công ty Cổ phần cơ điện HAECO - Công ty TNHH dây và cáp điện Thăng Long.

Dự án San tải, giảm bán kính cấp điện các trạm biến áp phân phối và cải tạo lưới điện hạ áp để nâng cao độ ổn định cung cấp điện khu vực Tủa Chùa có tổng mức đầu tư hơn 14,9 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng thương mại của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Dự án triển khai xây dựng mới 4,324km Đz trung thế; 6,953km Đz hạ thế 0,4kV; lắp đặt mới 12 trạm biến áp tổng công suất 650kVA trên địa bàn các xã của huyện Tủa Chùa.

Ông Mai Văn Cửu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xây lắp điện và Công nghệ viễn thông Hà Nội cho biết: Để thi công công trình đảm bảo chất lượng và bàn giao đúng tiến độ đề ra, Công ty thường xuyên phối hợp với chủ đầu tư và chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Dự án sau khi được bàn giao, đưa vào sử dụng là giải pháp hiệu quả để cấp điện ổn định mùa nắng nóng và đối phó với mùa mưa bão thất thường. Đối với 10 trạm biến áp còn lại (dự kiến hoàn thành đóng điện trước ngày 31/3), Công ty Điện lực Điện Biên đang đôn đốc các đơn vị liên quan tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp trên địa bàn tỉnh, nâng cao khả năng truyền tải để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng trưởng mới và san tải cho lưới điện hiện hữu.

Với mục tiêu bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định, góp phần giảm tổn thất điện năng và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh, năm 2022 Công ty Điện lực Điện Biên được giao tổng số 18 danh mục dự án, tổng mức đầu tư 163,018 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành quyết toán 8/8 danh mục chuyển tiếp từ năm 2021 với tổng mức đầu tư 79,247 tỷđồng, hoàn thành quyết toán 7/7 danh mục công trình giao năm 2022 với tổng mức đầu tư 69,435 tỷ đồng; hoàn thành quyết toán 1/3 danh mục công trình giao bổ sung năm 2022 với tổng mức đầu tư 14,336 tỷ đồng (còn 2 công trình chuyển tiếp thực hiện năm 2023). Năm 2023, Công ty được giao 5 danh mục công trình với tổng mức đầu tư 45,32 tỷ đồng. Đến nay, công ty đang thực hiện thi công, phấn đấu đóng điện 21/25 trạm biến áp thuộc 4 công trình lưới điện trung hạ áp trước ngày 31/3 theo kế hoạch Tổng Công ty giao. Các dự án này thực hiện san tải, giảm bán kính cấp điện các trạm biến áp phân phối và cải tạo lưới điện hạ áp để nâng cao độ ổn định cung cấp điện khu vực trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà. Quy mô gồm: Xây dựng mới 0,85km Đz 22kV; 8,09km Đz 35kV; 51,79km Đz 0,4kV; cải tạo 38,729km Đz 0,4kV; lắp đặt 25 trạm biến áp tổng công suất 2.090 kVA. Đây là các dự án có mục tiêu giảm tổn thất điện năng, tổn thất điện áp, nâng cao chất lượng điện năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của phụ tải khu vực thực hiện dự án; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm bán kính cấp điện các trạm biến áp; tăng tuổi thọ của máy biến áp và các thiết bị điện.

Ông Dương Phi Thường, Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện lực Điện Biên cho biết: Để các dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, Ban Quản lý đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công như: Yêu cầu các nhà thầu thiết lập tiến độ thi công chi tiết, cam kết hoàn thành đúng tiến độ, báo cáo định kỳ tiến độ và khó khăn để có biện pháp phối hợp xử lý; chủ động lập phương án chi tiết thực hiện các hạng mục của từng công trình; tích cực phối hợp với các nhà thầu xử lý vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ngoài việc bám sát kế hoạch và hướng dẫn thực hiện công tác quản lý dự án, đơn vị nâng cao trách nhiệm của cán bộ giám sát, quản lý để khắc phục, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, bảo đảm quá trình thi công thuận lợi.

Thanh Niên
Bình luận

Tin khác

Back To Top