Xóa tư tưởng trông chờ vào Nhà nước

08:21 - Thứ Tư, 24/05/2023 Lượt xem: 4434 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, từ nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song kết quả này vẫn chưa thực sự bền vững bởi ý thức tự vươn lên của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng cao còn hạn chế.

Việc đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống đường giao thông sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi, từ đó khơi gợi ý thức vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH và Xây dựng Tiến Cường thi công tuyến đường Keo Lôm - Tìa Ghếnh (Điện Biên Đông).

Người dân còn trông chờ, ỷ lại

Nậm Cứm là bản đặc biệt khó khăn của xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng). Cả bản có gần 60 hộ nhưng có đến hơn 300 nhân khẩu với tỷ lệ hộ nghèo gần 100%. Trưởng bản Mùa A Lầu cho biết, nhiều năm qua, bà con nơi đây cũng được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước, song ý chí phấn đấu của mỗi người dân chưa rõ ràng. Thậm chí, nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động chỉ loanh quanh trong xóm bản, làm mấy việc lặt vặt của gia đình. Bởi vậy mà tỷ lệ hộ nghèo ở đây rất cao. Bên cạnh đó, với tư duy lạc hậu, Nậm Cứm còn là vùng đất sinh con thứ 3 trở lên thuộc “top” đầu của huyện. Nhà nào ít thì có từ 3 - 4 con, nhiều phải gần 10 con, thậm chí là 11 - 12 con. Điển hình như trường hợp chị Vàng Thị Dung, năm nay mới hơn 20 tuổi song đã là mẹ của 4 người con. Cả nhà có 6 miệng ăn, kinh tế chỉ dựa vào nguồn thu từ vài trăm mét vuông lúa nương, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá. Chính vì thế mà bao năm qua, gia đình chị Dung vẫn là hộ nghèo.

Ở bản Nậm Cang, xã Mường Tùng (huyện Mường Chà), đời sống của người dân nơi đây cũng rất khó khăn. Ông Ly A Sinh, Trưởng bản Nậm Cang than thở: Điều kiện tự nhiên của bản không thuận lợi như những bản vùng thấp, tư tưởng và ý thức vươn lên thoát nghèo của bà con nơi đây chưa cao. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động, song hiệu quả chưa được như mong muốn. Bởi vậy mà phần lớn các hộ ở bản là nghèo và cận nghèo.

Không nỗ lực thoát nghèo để hưởng các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước là câu chuyện thực tế, không chỉ ở Nậm Cứm hay Nậm Cang mà phổ biến ở vùng cao hiện nay; nhất là mỗi khi chính quyền cơ sở tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo. Điều này đã gây khó khăn cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo của nhiều địa phương, làm lãng phí sự hỗ trợ đầu tư của Đảng, Nhà nước qua các chương trình, dự án giảm nghèo.

Tuyên truyền để thay đổi nhận thức

Theo nhiều ý kiến của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các huyện, xã vùng cao, muốn xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân, công tác tuyên truyền, vận động là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng. Kết hợp với công tác tuyên truyền là hành động tích cực của các địa phương trong hướng dẫn người dân triển khai các mô hình kinh tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng vùng, từ đó khơi gợi ý chí thoát nghèo trong nhân dân.

Tại huyện biên giới Mường Nhé, những năm gần đây, huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án, hỗ trợ sinh kế cho người dân bằng các nghị quyết cụ thể. Điển hình là Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 19/5/2021 của Huyện ủy Mường Nhé về Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện Mường Nhé đã phát huy vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể cũng như mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Huyện cũng ưu tiên hỗ trợ vốn cho các hộ chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi liên kết theo hình thức tập trung trong giai đoạn đầu. Với mỗi gia đình đăng ký phát triển chăn nuôi trong quy mô hộ gia đình, được huyện hỗ trợ giống cỏ voi, được ngân hàng hỗ trợ thủ tục vay vốn mua giống cỏ voi, mua gia súc.

Ông Vi Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: Nhằm xóa tư tưởng muốn nghèo để được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là giải pháp rất hữu hiệu. Bởi vậy khi huyện triển khai Nghị quyết 05, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Khuyến khích người dân liên kết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành mô hình để chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ thành viên và thuận tiện trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Đến nay, toàn xã có gần 6.500 con gia súc và gần 29.000 con gia cầm. Hiện nay, xã đang thực hiện thí điểm chăn nuôi tập trung theo hình thức liên kết nhóm hộ trên địa bàn một số bản. Điển hình như bản Mường Nhé có 6 hộ dân liên kết thành khu chăn nuôi tập trung với diện tích 7ha; trồng cỏ làm thức ăn, làm hàng rào quanh chuồng trại.

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai, thực hiện nhiều nghị quyết đem lại hiệu quả cao trong công tác xóa đói, giảm nghèo, như: Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên Đông về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn huyện; Nghị quyết Đảng bộ huyện Mường Ảng về phát triển cây ăn quả chất lượng cao theo hướng liên kết chuỗi... Qua thực hiện các nghị quyết đã giúp cho người dân, đặc biệt là người nghèo ở vùng cao, biên giới hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thấy được lợi ích của các chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ trong các hoạt động sản xuất, nâng cao thu nhập, giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top