Lãi suất giảm vẫn khó kích cầu tín dụng

08:27 - Thứ Sáu, 26/05/2023 Lượt xem: 5253 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất huy động vốn của nhiều ngân hàng đã có những bước giảm khá dài, với lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm và các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên giảm xấp xỉ 1,5 - 2 điểm phần trăm, tùy ngân hàng. Tuy nhiên, với tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ như Điện Biên, việc ngân hàng giảm lãi suất vẫn khó để kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Khách hàng thực hiện các giao dịch tín dụng tại phòng giao dịch Agribank Điện Biên.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong tháng 3 và quý I/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thực hiện giảm lãi suất điều hành nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm việc với các ngân hàng thương mại khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Theo đó, các Ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2 - 0,5%/năm đối với các kỳ hạn 6 - 12 tháng kể từ ngày 6/3.

Tại tỉnh Điện Biên, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã thực hiện đúng, đủ các chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thực hiện các chính sách tài khóa, góp phần phục hồi nền kinh tế trên địa bàn. Các chi nhánh Ngân hàng thương mại thực hiện việc điều chỉnh giảm lãi suất, triển khai các gói tín dụng ưu đãi về lãi suất nhằm kích cầu tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù lãi suất giảm song vẫn khó kích cầu tín dụng.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nhu cầu vay đang rất thấp do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh nên không còn nhu cầu vay, trong khi số khác bị đứt gãy dòng tiền, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản, nên không thể tiếp cận được dòng tín dụng của các ngân hàng. Đối với những doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng điều kiện vay vốn lại e ngại suy thoái kinh tế, tiêu dùng sụt giảm nên cũng không mặn mà vay ngân hàng để mở rộng hoạt động. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lại cho rằng việc giảm lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn, tuy nhiên để vay được vốn giá rẻ cũng không dễ dàng. Bởi vì, hiện nay các ngân hàng thương mại đang ngày càng áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Do đó, ngân hàng không “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.  Thế nên, trong điều kiện hiện nay, chỉ khi các ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi.

Còn với nhóm khách hàng cá nhân, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của suy thoái nền kinh tế khiến nhiều lao động mất việc làm, giảm thu nhập, đồng thời khiến giá cả tiêu dùng leo thang. Từ đó, họ thận trọng, e dè hơn trong các quyết định vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chị Lường Thị Hình, thôn 1, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) cho biết: Nhiều năm nay, gia đình tôi phát triển kinh tế theo hướng gia trại. Nhiều thời điểm khó khăn về nguồn vốn, tôi đã phải vay vốn ngân hàng để duy trì và phát triển sản xuất, chăn nuôi. Tuy nhiên, sau 3 năm xảy ra dịch Covid-19, giá trâu, bò giảm mạnh khiến chăn nuôi thua lỗ. Ví dụ năm 2020, tôi mua một con bò để vỗ béo với giá 17 triệu đồng. Sau 2 năm chăn nuôi, thời điểm đầu năm 2023, thương lái vào trả giá chưa được 17 triệu đồng. Do đó, thời điểm này mặc dù lãi suất ngân hàng giảm, tôi cũng không có ý định vay vốn để mở rộng chăn nuôi.

Từ đầu năm đến nay, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên về việc tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống, Agribank Điện Biên đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó đã thực hiện 7 lần giảm lãi suất tiền gửi. Theo đó, mức lãi trần huy động thỏa thuận giảm từ mức 9,5% về mức tối đa 7,4%/năm. Giảm lãi suất tiền gửi là tiền đề để giảm lãi suất cho vay, Agribank Điện Biên đã giảm lãi suất cho vay theo kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng, dưới 6 tháng và dưới 12 tháng đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và kinh doanh bất động sản, chứng khoán với sàn lãi suất cho vay giảm đến 2,5%/năm. Khuyến khích tín dụng trung, dài hạn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và phục vụ nhu cầu đời sống áp dụng lãi suất cố định tối thiểu 9%/năm trong 12 tháng đầu tiên sau khi giải ngân. Khuyến khích cho vay tiêu dùng đối với cán bộ hưởng lương áp dụng lãi suất thông thường hoặc cố định tối thiểu 8,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên sau giải ngân. Mặc dù đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, song do tính chất đặc thù thời vụ, những tháng đầu năm nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp thấp nên tăng trưởng tín dụng ở quý I hàng năm đều giảm. Cụ thể, năm 2021 giảm 109 tỷ đồng (-1,5%); năm 2022 giảm 229 tỷ đồng và năm 2023 giảm 507 tỷ đồng (-6,7%).

Với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng nhiều hơn, các ngân hàng cần phải giảm lãi suất cho vay hơn nữa đồng thời kết hợp thêm những giải pháp khác như: Giãn, hoãn nợ, đơn giản hóa điều kiện và thủ tục vay vốn.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top