Kỳ vọng thoát nghèo từ cây quế

06:37 - Thứ Bảy, 03/06/2023 Lượt xem: 6025 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của huyện, người dân xã Huổi Lèng đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên nương. Từ trồng ngô, lúa nương người dân chuyển sang trồng quế. Bước đầu mang lại hiệu quả giúp người dân thoát nghèo.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tham quan mô hình phát triển cây quế tại bản Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng.

Cây quế lên nương

Giàng A Sàng, dân tộc Mông sinh ra và lớn lên tại bản Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng đã có nhiều năm làm “người lái đò” tận tụy đưa các thế hệ học sinh tại các xã vùng cao: Hừa Ngài, Sá Tổng, Huổi Lèng đến bến bờ tri thức. Năm 2020, sự nghiệp của Giàng A Sàng rẽ sang một hướng mới, anh được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Lèng sau kỳ Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trên cương vị mới, nhận thấy đời sống người dân trên địa bàn xã còn nghèo khó, anh Sàng luôn trăn trở làm gì để bà con thoát nghèo. Là người con của Huổi Lèng, anh Sàng hiểu rõ tập quán canh tác, sản xuất của người dân, từ đó xác định đúng “nút thắt” trong phát triển kinh tế.

Anh Sàng chia sẻ: “Từ lúc biết theo bố mẹ đi làm nương đến nay, tôi chưa thấy một hộ dân nào ở Huổi Lèng có thể thoát nghèo, vươn lên có kinh tế khá giả nhờ cây ngô và lúa nương. Do đó, muốn thoát nghèo được thì phải bỏ canh tác truyền thống, chuyển đổi cây trồng sang các cây có giá trị kinh tế cao”.

Sau thời gian nghiên cứu, anh Sàng tìm sang tỉnh Yên Bái - địa phương có địa hình, đặc điểm khí hậu khá tương đồng với tỉnh Điện Biên và đang phát triển mạnh cây quế để tham quan, tìm hiểu đặc tính, quy trình kỹ thuật, giá trị và đầu ra sản phẩm. Đồng thời, mời những nông dân có kinh nghiệm trồng quế ở Yên Bái sang Huổi Lèng khảo sát, đánh giá về khả năng sinh trưởng, phát triển cây quế. Kết quả các khâu đều thuận lợi, anh Sàng quyết định đầu tư cây giống về trồng. Trước hết là mình tự trồng sau đó mới vận động, hướng dẫn bà con làm theo.

Mùa mưa năm 2020, những cây quế đầu tiên được xuống giống trên đất bản Huổi Toóng 2. Đến hết năm 2020, cả xã Huổi Lèng có 11 hộ dân thuộc 4 bản: Huổi Toóng 1, 2; Trung Dình và Ma Lù Thàng theo gương Phó Chủ tịch UBND xã chuyển đổi đất nương bỏ hoang và kém hiệu quả sang trồng quế. Tổng diện tích trồng được khoảng 11ha, trong đó riêng nhà anh Sàng trồng hơn 2ha. Đến nay, cây quế đã sinh trưởng, phát triển khá tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%; cây lớn đã cao hơn đầu người.

Anh Giàng A Sàng cho biết: Để cây quế đạt tỷ lệ sống cao thì phải trồng vào mùa mưa. Trong khoảng 2 - 3 năm đầu chưa được bón phân. Đợi cây bám rễ chắc mới bón phân thúc cây phát triển nhanh. Bên cạnh đó, bản chất thân và lá cây quế có vị ngọt, là món ăn khoái khẩu của trâu, bò và dê. Do đó, người trồng quế phải đầu tư làm hàng rào bảo vệ vườn quế, tránh sự phá hoại của gia súc. Cây quế có chu trình phát triển từ 8 - 10 năm là có thể cho thu hoạch. Nếu diện tích trồng ít thì thương lái tư nhân sẽ thu mua hết. Nếu người dân trồng nhiều thì các nhà máy chế biến ở các tỉnh lân cận như: Lào Cai, Lai Châu sẽ mở rộng vùng nguyên liệu sang Điện Biên. Về giá trị, theo thực tế các mô hình ở Yên Bái, cây quế được thu mua từ gốc đến ngọn nên giá trị cao gấp nhiều lần so với cây ngô, lúa nương. 

Sau 2 năm cây quế bén rễ ở Mường Chà theo các mô hình tự phát, đến năm 2022, UBND huyện Mường Chà đã có chủ trương phát triển cây quế tại những vùng đất được quy hoạch trồng rừng sản xuất. UBND huyện tổ chức đoàn tham quan, khảo sát mô hình trồng quế tại tỉnh Yên Bái. Sau đó, bằng các nguồn vốn bảo vệ và Phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện Mường Chà tổ chức hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng quế trên nương. Năm 2022, toàn huyện đã triển khai trồng được 82,01ha. Trong đó, riêng xã Huổi Lèng trồng được 23,23ha, nâng tổng diện tích trồng quế của xã lên 34,23ha, tập trung tại các bản: Huổi Toóng 1, 2 và Trung Dình.

Anh Giàng A Sàng, bản Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng chăm sóc vườn quế 3 năm tuổi. (Ảnh nhỏ)

Ông Hạng Sáy Dua, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Lèng cho biết: Đây là lần đầu tiên, xã Huổi Lèng triển khai chuyển đổi cây trồng với quy mô lớn như vậy. Do là chủ trương mới, cây trồng mới nên những năm đầu, những hộ cán bộ, đảng viên, người có uy tín trồng trước. Sau đó người dân trồng theo.

Phát triển theo quy hoạch

Năm 2023, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Huổi Lèng là một trong những xã được UBND huyện Mường Chà phê duyệt chủ trương mở rộng diện tích trồng quế, với điều kiện phải thuộc quy hoạch rừng sản xuất của huyện. Để tránh trường hợp phát triển cây quế ồ ạt, hiện nay UBND xã Huổi Lèng đang chủ động rà soát, lựa chọn những địa bàn phù hợp để đưa vào thực hiện các dự án trồng quế.

Ngay từ đầu năm, triển khai khảo sát nhu cầu toàn xã Huổi Lèng có gần 100 hộ đăng ký trồng quế với tổng diện tích gần 40ha. Tuy nhiên, sau khi rà soát các điều kiện, chỉ có 37 hộ với diện tích trên 20ha đủ điều kiện trồng. Trong đó, có 16 hộ với 4,489ha thuộc dự án do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà làm chủ đầu tư và 21 hộ với diện tích trên 16ha do UBND xã Huổi Lèng làm chủ đầu tư.

Ông Giàng A Cở, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Lèng phụ trách nông - lâm nghiệp và thủy sản cho biết: Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây quế chỉ phù hợp với những vùng đất có độ cao từ 700 - 800m so với mực nước biển. Đối chiếu tiêu chuẩn đó, xã Huổi Lèng chỉ có 3/7 bản đáp  ứng tiêu chuẩn kỹ thuật để phát triển cây quế, gồm: Huổi Toóng 1, 2 và Trung Dình. Do đó, năm 2023 sau khi rà soát, đối chiếu về tiêu chuẩn kỹ thuật và chủ trương của UBND huyện, xã Huổi Lèng đã loại bỏ những diện tích không phù hợp.

Theo khảo sát của UBND xã Huổi Lèng, hiện nay, tại 4 bản vùng cao của xã: Ma Lù Thàng, Huổi Lèng, Nậm Chu và Ca Dính Nhè có rất nhiều hộ dân có nhu cầu và đã đăng ký tham gia dự án trồng quế. Tuy nhiên, sau khi đơn vị tư vấn đo đạc, quy chủ và đối chiếu các tiêu chuẩn thì 100% diện tích ở 4 bản trên đều nằm ở vị trí có độ cao vượt quá tiêu chuẩn cho phép do đó không được đưa vào dự án.

Theo ông Hạng Sáy Dua, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Lèng, cây quế được kỳ vọng giúp người dân thoát nghèo. Song, do là cây trồng mới nên cấp ủy, chính quyền xã rất thận trọng. Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều bài học về việc trồng ồ ạt các loại nông sản thiếu kiểm soát sau đó dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá và bị thương lái ép giá hoặc đầu tư nửa vời dẫn đến thiệt hại cho người nông dân. Chính vì vậy, xã Huổi Lèng rất cẩn trọng lựa chọn những hộ dân tham gia dự án. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tình trạng người dân trồng tự phát.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top