Người nuôi cá lồng ở Huổi Só lo lắng vì cá chết nhiều

08:37 - Thứ Hai, 05/06/2023 Lượt xem: 5117 In bài viết

ĐBP - Những ngày qua, nắng nóng kéo dài khiến mực nước lòng hồ thủy điện sông Đà trên địa bàn huyện Tủa Chùa giảm sâu, tiệm cận mực nước chết, thậm chí một số điểm cạn trơ đáy. Nước cạn cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cá nuôi trong lồng, bè của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Huổi Só bị chết. Phần lớn số lượng cá bị chết đang trong kỳ tăng trưởng và cá thương phẩm chuẩn bị xuất bán, gây tổn thất lớn cho nhiều hộ gia đình.

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước phân tích, xét nghiệm nguyên nhân cá chết.

Gia đình ông Phàn A Bụ, thôn Huổi Só, xã Huổi Só là một trong những hộ nuôi cá lồng bè lâu năm và quy mô lớn nhất trên địa bàn xã. Trong khoảng 1 tháng qua, tại nhiều lồng cá của gia đình ông liên tiếp xuất hiện tình trạng cá chết không rõ nguyên nhân, khiến gia đình ông vô cùng lo lắng.

Ông Phàn A Bụ, cho biết: “Gia đình tôi có 13 lồng cá, nuôi trên lòng hồ thủy điện sông Đà, chủ yếu là cá lăng, cá trắm, cá rô... Trung bình mỗi lồng nuôi từ  200 - 300 con. Hiện nay các loại cá đã đến kỳ cho thu hoạch, trọng lượng trên dưới 3kg/con. Tuy nhiên từ đầu tháng 5 đến nay, xuất hiện tình trạng cá chết; tỷ lệ cá chết khoảng 30% - 40% (chủ yếu cá lăng chết). Gia đình đã báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử lý”.

Cũng tại xã Huổi Só, gia đình ông Phàn A Hạnh có 18 lồng cá nuôi trên lòng hồ sông Đà, cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Theo ông Hạnh, gia đình ông nuôi cá lồng nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng cá chết như vậy, nên người dân cũng không có phương án đề phòng. Năm nay, do lượng mưa ít, mực nước sông Đà xuống thấp, nắng nóng kéo dài có thể đã gây ra hiện tượng nước sông sục bùn, thiếu ôxy trong nước làm cá chết hàng loạt.

Cá chết được các hộ dân vớt lên.

Ông Phàn A Hạnh chia sẻ: Thời gian qua, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 10 - 20 con cá các loại chết. Cả năm trời gia đình chỉ trông chờ vào tiền bán cá, giờ cá chết gia đình đang rất lo lắng vì số tiền đầu tư nuôi cá rất lớn và chủ yếu từ vốn vay ngân hàng, người thân. Hiện nay, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cá chết, gia đình đang đánh bắt tỉa để bán. Mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ thiệt hại cho người dân nếu tình trạng cá chết vẫn diễn ra với số lượng lớn.

Không chỉ gia đình ông Bụ, Hạnh, hiện nay trên địa bàn xã Huổi Só có gần 100 lồng, bè nuôi cá trên lòng hồ sông Đà; trong đó tình trạng cá chết diễn ra ở hầu hết các hộ nuôi trồng.

Theo ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, qua điều tra và thông tin cung cấp từ phía người dân, xác định nguyên nhân do nắng nóng kéo dài, nước lòng hồ sông Đà trên địa phận xã Huổi Só giảm sâu nhất từ trước đến nay. Cùng đó, đầu tháng 5/2023, xuất hiện một số đợt mưa, dẫn đến chênh lệch nhiệt độ lớn gây suy giảm oxy đột ngột, dẫn đến cá bị chết do thiếu oxy cục bộ. Cơ quan chuyên môn đã tiến hành mổ, xét nghiệm để chẩn đoán dịch bệnh, nhưng qua phân tích, đánh giá thì không có yếu tố dịch bệnh. Ngoài ra trên mặt lòng hồ trực quan nghi ngờ có hiện tượng các dải tảo nâu đỏ hình thành làm tăng nồng độ CO2 trong nước cạnh tranh lượng oxy dẫn đến cá nuôi trong lồng thiếu oxy.

Mực nước sông Đà trên địa bàn xã Huổi Só xuống thấp nhất từ trước đến nay.

Thông tin từ Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh, sau khi test nhanh các chỉ số môi trường trong nước khu vực nuôi cá lồng trên địa bàn xã Huổi Só (thời điểm test 5 giờ chiều ngày 16/5): Nhiệt độ 260C; độ PH gần 8,5; NH3 xấp xỉ 0,3mg/l; NH4 (amoni) xấp xỉ 2mg/l; hàm lượng oxy hòa tan trong nước xấp xỉ 0,3mg/l. Đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật về nuôi cá lồng, bè nước ngọt, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường quy định giới hạn hàm lượng oxy hòa tan trong nước lớn hơn hoặc bằng 4mg/l, nồng độ NH4 bé hơn hoặc bằng 1mg/l. Như vậy với chỉ số về môi trường nước đo trên cho thấy hàm lượng oxy hòa tan thấp và hàm lượng amoni (NH4) cao vượt ngưỡng cho phép đối với nuôi cá lồng bè nước ngọt.

Mặt khác, khu vực lòng hồ nuôi cá lồng bè là eo ngách hẹp, mực nước thấp, lưu tốc dòng chảy giảm mạnh, thực vật phù du chủ yếu là tảo tàn và chết đột ngột làm gia tăng tích lũy vật chất hữu cơ dưới đáy hồ, lồng nuôi cá của các hộ dân có kích thước mắt lưới nhỏ. Trong quá trình nuôi cá, các hộ dân không vệ sinh lồng nên rong, rêu, rác thải bám kín lưới lồng (các hộ nuôi cá từ năm 2019 đến nay chưa vệ sinh lồng nuôi) làm cản trở lưu thông nước trong và ngoài lồng có thể dẫn đến thiếu oxy cục bộ.

Theo ông Tẩn A Đạt, Chủ tịch UBND xã Huổi Só, hiện nay số lượng cá chết chưa thống kê được cụ thể (do cá chết đến đâu hộ nuôi vớt đến đấy và không báo chính quyền biết), song trung bình có khoảng từ 10 - 20 con cá chết/ngày/hộ. Xã Huổi Só nằm trong diện di dân tái định cư thủy điện Sơn La, 100% số diện tích đất ruộng của nhiều hộ trong xã đã bị ngập hoàn toàn dưới lòng hồ thủy điện Sơn La. Để phát triển kinh tế nhiều hộ dân đã nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện sông Đà. Trong đó nhiều hộ vay vốn ngân hàng để đầu tư làm lồng, mua con giống. Tình trạng cá chết đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, đời sống người dân.

Cá chết nổi trên mặt nước tại các lồng nuôi.

Trong những ngày tới, dự báo trên địa bàn huyện Tủa Chùa sẽ có mưa, nhưng lượng mưa không đủ lớn để cải thiện mực nước tại các khu vực nuôi trồng thủy sản; thời tiết nắng nóng, mức nhiệt cao khả năng sẽ vẫn tiếp tục kéo dài, do vậy nguy cơ cao sẽ có thêm nhiều cá tiếp tục bị chết. Đặc biệt, không riêng xã Huổi Só, tình trạng nước sông Đà cạn đang ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thủy sản trong lồng bè trên địa bàn huyện. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi cá lồng, bè trong gia đoạn chuyển mùa, huyện Tủa Chùa đề nghị các xã có nuôi cá lồng, bè trên lòng hồ sông Đà tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi và chăm sóc cá nuôi hàng ngày, nhất là vào sáng sớm, chiều tối để có biện pháp xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường xảy ra. Thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi để đảm bảo lưu tốc dòng nước chảy; theo dõi để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, chú trọng xử lý triệt để lượng thức ăn dư thừa nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Sử dụng vôi bột cho vào túi và treo vào các góc của lồng cá để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi, di chuyển lồng bè nuôi đến những vị trí có dòng chảy, hoặc dẫn các nguồn nước từ khe suối chảy vào lồng bè; thường xuyên bổ sung vitamin C trong thức ăn cho cá đối với trường hợp cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp. Cần chú ý khoảng thời gian từ 2 -   5 giờ sáng, hàm lượng oxy hòa tan trong nước thường thấp, đặc biệt là những nơi không có nước chảy, vì vậy cần tăng hàm lượng oxy bằng cách sử dụng máy sục khí oxy cho các lồng, bè.

Đối với những hộ có cá chết cần khẩn trương thu vớt cá chết, giảm mật độ nuôi và thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường nhằm hạn chế bệnh cho cá. Trường hợp nghi ngờ cá nuôi bị bệnh cần báo cho chính quyền địa phương sớm để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng. Đối với cá nuôi khi đạt kích thước thương phẩm cần tranh thủ thu tỉa khi được giá để giảm mật độ nuôi, tăng thu nhập. Cùng với đó, địa phương thống kê thiệt hại; huy động lực lượng giải cứu số cá đang có nguy cơ bị chết trên khu vực lòng hồ. Căn cứ tình hình thực tế sẽ báo cáo cơ quan chức năng có những hỗ trợ, giúp đỡ đối với các gia đình bị thiệt hại.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top