Mở hướng phát triển kinh tế từ nuôi dê

08:18 - Thứ Ba, 06/06/2023 Lượt xem: 5337 In bài viết

ĐBP - Bản Chăn, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) có địa hình đồi núi dốc, ít đất có thể trồng lúa nước. Sinh kế chủ yếu của người dân là làm nương và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; tuy nhiên phần lớn chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ (trong bản). Nhằm tận dụng điều kiện sẵn có để phát triển kinh tế, nhiều hộ tại bản Chăn đã chuyển đổi sang nuôi dê thương phẩm. Nông dân Lò Văn Bình là người tiên phong thực hiện mô hình kinh tế này; đồng thời tích cực hỗ trợ, hướng dẫn dân bản làm theo…

Anh Lò Văn Bình, bản Chăn, xã Quài Nưa chăm sóc dê trong mô hình nuôi nhốt dê thương phẩm của gia đình.

Cùng cán bộ xã đến bản Chăn, dọc đường vào bản là rất nhiều chuồng trại với hàng chục, hàng trăm con dê được nuôi nhốt. Quanh khu vực chuồng nuôi dê là màu xanh mướt của cây chuối, cỏ voi; trái ngược hoàn toàn với cái nóng hầm hập trên đường, vàng úa khô khan của đất nương đang chờ xuống giống... Cả bản Chăn xuất hiện như một ốc đảo tươi mát và tràn đầy sức sống. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lò Văn Bình, người đầu tiên phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dê thương phẩm tại bản Chăn. Anh Bình đang lụi cụi bê những chậu lớn thức ăn vỗ béo cho dê của gia đình. Dáng người khá cao, chắc nịch với nước da ngăm đen, đỏ đậm của phơi nắng, phơi sương, anh cười hiền khô mời chúng tôi lên nhà uống nước. Căn nhà sàn rất rộng, khang trang với móng là bê tông. Nhìn cơ ngơi này, ít ai biết trước năm 2019 gia đình anh với 6 người của ba thế hệ là hộ cận nghèo ở trong bản. 

Anh Lò Văn Bình chia sẻ: Trước kia gia đình phát triển kinh tế từ trồng ngô, sắn và nuôi gà, vịt; nhưng manh mún, nhỏ lẻ lắm. Gia đình sáu miệng ăn mà còn phải lo học phí cho hai con nên rất khó khăn; luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai”. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án cung cấp con giống, cây trồng cho người dân, trong đó có giống dê. Thời gian đầu tôi cũng tập nuôi, nhưng chủ yếu là thả rông, dê tự kiếm ăn nên phát triển kém, khó chăm sóc, dễ bị bệnh...

Với hi vọng thoát nghèo, gia đình có điều kiện sống tốt và ổn định hơn, các con có cơ hội học tập, phát triển như các bạn đồng trang lứa; đồng thời tận dụng những điều kiện sẵn có để phát triển kinh tế trên chính quê hương của mình, anh Lò Văn Bình đã tham quan, tìm tòi, học hỏi, các mô hình phát triển kinh tế chuồng trại ở nhiều nơi. Năm 2019, sau khi tìm tòi học hỏi nhiều mô hình, anh nhận thấy việc nuôi nhốt sẽ tạo điều kiện để dê phát triển tốt, dễ chăm sóc và mang lại nguồn lợi không nhỏ nên bắt tay làm. Khi mới bắt đầu, đàn dê chỉ có hơn 30 con. Sau đó anh Bình tích cực thu mua thêm dê đực, bởi có tốc độ sinh trưởng tốt hơn dê cái, rất phù hợp nuôi lấy thịt. Đồng thời, khi nuôi nhốt, việc chăm sóc, chữa bệnh cho vật nuôi sẽ đơn giản, dễ dàng hơn. Với số vốn xoay vòng, hiện nay đàn dê đã ổn định từ 100 - 140 con, chia làm bốn lứa xen kẽ.

Nhận thấy việc chủ động cung cấp nguồn thức ăn cho vật nuôi là vô cùng cần thiết. Nếu chỉ trông mong vào nguồn thức ăn sẵn có thì rất bị động, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của đàn vật nuôi; anh Bình tiếp tục cải tiến mô hình của mình, nhằm chủ động trong khâu cung cấp thức ăn. Tìm hiểu được biết, ở tỉnh Sơn La có loại cây chuối được người dân gọi vui là “chuối nhiều con”. Loại chuối này phát triển nhanh, chặt cây chuối mẹ, sẽ mọc ra 7 - 10 cây chuối non; tán không quá rộng, nhanh được thu hoạch nên thích hợp làm thức ăn chăn nuôi. Anh Bình đã về tận nơi tìm mua và mang về bản. Đồng thời anh tiếp tục trồng thêm cỏ voi; sau khi thu hoạch cỏ sẽ được ủ lên men, làm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn vật nuôi trong mấy tháng mùa khô. Trong quá trình chăn nuôi, phế phẩm của dê sẽ được dùng làm phân bón cho chuối và cỏ. Tất cả các khâu đều tuần hoàn, khép kín bổ sung cho nhau.

Hiện tại, gia đình anh Bình nuôi hơn 100 con dê, được chia làm bốn lứa, khi đạt 30kg - 35kg trên một cá thể dê là có thể xuất chuồng. Dê được thương lái đến tận nơi thu mua, giá giao động từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, mỗi lứa xuất chuồng từ 30 đến 40 con. Với mô hình khép kín, hiệu quả, giá cả đầu ra sản phẩm ổn định, mô hình đã giúp gia đình anh Bình thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng, là tấm gương sáng về phát triển kinh tế của địa phương, được mọi người noi theo.

Ngoài phát triển kinh tế của gia đình, anh Bình còn phổ biến, khuyến khích người dân trong bản làm theo. Ông Là Văn Tươi, Trưởng bản Chăn cho biết: Trước kia bản Chăn chỉ có 71 hộ, sau khi sáp nhập thì tăng lên hơn 200 hộ. Sinh kế của người dân chủ yếu là nông nghiệp, diện tích đất để canh tác lúa nước không nhiều, chủ yếu người dân làm nương rẫy trồng sắn, ngô... nhưng kém hiệu quả, năng suất phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước và điều kiện tự nhiên.

Nhiều năm qua, bà con loay hoay tìm hướng để phát triển kinh tế, chăn nuôi thêm gia súc nhưng chỉ đủ ăn, nhỏ lẻ, manh mún và gặp nhiều khó khăn. Đa số những người đàn ông, trụ cột trong gia đình sẽ đi làm thuê tại các khu công nghiệp, các công trình ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Từ khi anh Bình phát triển mô hình nuôi dê vỗ béo, lấy thịt đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con. Trong số 71 hộ gia đình ở bản Chăn cũ đã có hơn 10 hộ xây dựng thành công mô hình chăn nuôi dê của anh Bình. Hiện tại ở bản Chăn, xã Quài Nưa, số lượng đàn dê tăng mạnh, đã đạt hơn 1.000 con, ngoài những hộ đã làm mô hình, trong bản có rất nhiều hộ đã bắt đầu trồng chuối, cỏ voi và học hỏi kinh nghiệm xây dựng chuồng trại, chọn giống, chăm sóc vật nuôi... từ mô hình nhốt dê thương phẩm của anh Bình.

Các mô hình nuôi nhốt dê, chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi đã đem lại nguồn lợi không nhỏ, phát triển kinh tế ổn định và bền vững gắn liền với những thế mạnh đất đai sẵn có của địa phương, từ hiệu quả tích cực và sự lan tỏa trong cộng đồng, mô hình phát triển kinh tế chuồng trại của anh Bình là điểm sáng trong phát triển kinh tế địa phương, được đông đảo người dân học hỏi, làm theo.

Bài, ảnh: Trần Nhâm
Bình luận
Back To Top