Khó khăn trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số

10:01 - Thứ Tư, 07/06/2023 Lượt xem: 5130 In bài viết

ĐBP - Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, sau đây gọi (Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS) được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016  - 2020, xây dựng thành 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần. Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Trong đó, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, có mục tiêu chung là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào DTTS, miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với mức bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; phát triển toàn diện giáo dục, y tế, văn hóa, cải thiện rõ rệt đời sống Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương và các bộ, ngành, Tỉnh ủy đã ban hành 1 nghị quyết, HĐND tỉnh ban hành 5 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 24 văn bản, quyết định, kế hoạch; các sở, ngành tỉnh ban hành 13 văn bản triển khai thực hiện Chương trình. Trong năm 2022, Ban chỉ đạo tỉnh đã tổ chức kiểm tra kết quả triển khai, thực hiện các dự án thành phần của Chương trình tại 7/10 huyện, thị xã, thành phố.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên được phân bổ 2.530,9 tỷ đồng. Năm 2022, vốn ngân sách Trung ương giao 684,868 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển 477,821 tỷ đồng để thực hiện 51 dự án khởi công mới, 13 dự án tiếp chi; đến thời điểm 31/3/2023 đã giải ngân được 220,563 tỷ đồng (đạt 46,6% kế hoạch); vốn sự nghiệp hoàn thành phân bổ chi tết 207,047 tỷ đồng, đạt 89,8% kế hoạch (chưa hoàn thành phân bổ chi tiết vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình chủ yếu do nguồn kinh phí sự nghiệp Trung ương giao thực hiện Dự án 9 vượt quá nhu cầu, khả năng thực hiện của địa phương) đến thời điểm 31/1/2023 giải ngân được 45,741 tỷ đồng đạt 22% kế hoạch. Năm 2023, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã hoàn thành phân bổ chi tiết 1.256,678 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển phân bổ 632,564 tỷ đồng để thực hiện 91 dự án khởi công mới, 43 dự án tiếp chi đến 31/3/2023 giải ngân được 53,903 tỷ đồng (đạt 8,52% kế hoạch); vốn sự nghiệp đã hoàn thành phân bổ chi tiết 624,114 tỷ đồng, đến thời điểm 31/3/2023 giải ngân 517 triệu đồng (đạt 0,09% kế hoạch).

Qua tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân các dự án, tiểu dự án thực hiện Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cho thấy còn nhiều khó khăn bất cập. Cụ thể, ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương chưa kịp thời; một số dự án, tiểu dự án không kịp triển khai thực hiện theo tiến độ được giao do nội dung, hỗ trợ của Chương trình liên quan đến thời vụ; việc phân bổ vốn theo lĩnh vực chi sự nghiệp (y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế...) chưa phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương. Cùng với đó hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành, Trung ương chậm ban hành; hướng dẫn chưa rõ ràng, đồng bộ, kịp thời dẫn đến địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện. Đơn cử như: Ủy ban Dân tộc chưa ban hành bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức cho nhóm đối tượng 3, đối tượng 4 thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 5, Tiểu dự án 4 của Dự án 5; hướng dẫn cụ thể Tiểu dự án 1 của Dự án 9; Bộ Thông tin và Truyền thông chưa ban hành văn bản hướng dẫn đối với nội dung “Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND xã” Tiểu dự 2 của Dự án 10...

Thời gian tới để quá trình triển khai Chương trình đạt hiệu quả, các bộ, ngành Trung ương cần sớm có hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về định mức vốn, đối tượng, nhóm đối tượng trong thực hiện các dự án, tiểu dự án liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo tồn văn hóa, phát triển nông lâm nghiệp... của Chương trình. Các cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo triển khai Chương trình từ tỉnh đến cơ sở cần đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền đến cán bộ triển khai thực hiện Chương trình và đối tượng thụ hưởng trực tiếp hiểu được mục đích, ý nghĩa, lợi ích cũng như các bước triển khai thực hiện.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top