Hướng đến nguồn năng lượng bền vững, an toàn

10:21 - Thứ Năm, 08/06/2023 Lượt xem: 6036 In bài viết

ĐBP - Ngoài các dự án thủy điện, tỉnh Điện Biên được đánh giá có tiềm năng phát triển các dự án năng lượng như: Điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng, điện sinh khối. Đây là nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, là nguồn tài nguyên quý giá của địa phương và quốc gia, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đoàn công tác Sở Công Thương cùng Công ty Năng lượng tái tạo Siemens Gamesa khảo sát thực địa tại Trạm đo sức gió xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông). Ảnh: C.T.V

Là tỉnh có địa hình phổ biến là núi cao, thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông, Điện Biên có nhiều khu vực tiềm năng gió rất tốt và ổn định. Nhiều vị trí trên địa bàn tỉnh vận tốc gió trung bình đạt từ 7,0m/s đến 10m/s, ở độ cao 100m, mật độ gió tốt, đây là những thuận lợi để có thể phát triển các dự án điện gió.

Theo kết quả rà soát của cơ quan chức năng, tại các dãy núi thuộc xã Keo Lôm, Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) tốc độ gió trung bình hơn 7,93m/s; khu vực Cửa khẩu quốc tế Tây Trang thuộc xã Na Ư và xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) tốc độ gió trung bình hơn 7,81m/s; khu vực các xã: Mường Mươn, Na Sang (huyện Mường Chà) tốc độ gió trung bình 7,68m/s; dãy núi khu vực đèo Tằng Quái thuộc các xã: Mường Đăng, Ẳng Cang, Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) có tốc độ gió trung bình 7,7m/s; TX. Mường Lay và khu vực đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo) tốc độ gió trung bình từ 7,24 - 7,7m/s. Nếu khai thác điện năng từ gió tại các khu vực này thì tổng công suất điện gió tại Điện Biên có thể đạt gần 3.000MW.

Đây là tiềm năng lớn của tỉnh trong phát triển năng lượng tái tạo, tuy nhiên chưa được khai thác, tận dụng. Trong khi để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu 10%, tỉnh Điện Biên xác định một trong những trụ cột để phát triển là đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển tiềm năng về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Do đó, thời gian qua tỉnh quan tâm mời gọi các nhà đầu tư vào nghiên cứu, khảo sát, đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện tại, UBND tỉnh đã cho phép một số nhà đầu tư, như: Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Tập đoàn Bamboo Capital; Công ty Wind Power Development A/S; Công ty TNHH Long Sơn; Công  ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và Giao thông… thực hiện nghiên cứu, khảo sát các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất dự kiến khảo sát của các nhà đầu tư là khoảng 1.480MW.

Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có nhà máy điện gió Intracom - Mường Ảng (công suất 100MW), nhà máy điện gió Intracom - Huổi Lèng (công suất 100MW), các tiềm năng kỹ thuật điện gió khác với công suất dự kiến là 350MW và 800MW. Ngoài danh mục các nhà máy điện gió Intracom với công suất dự kiến 200MW, UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị, xem xét bổ sung danh mục các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh vào trong quy hoạch với tổng công suất dự kiến là 1.280MW. Đồng thời UBND tỉnh đã báo cáo, kiến nghị xem xét bổ sung các dự án tiềm năng năng lượng tái tạo như: Thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện rác, điện sinh khối, thủy điện tích năng… trên địa bàn tỉnh với tổng công suất là 4.788MW vào Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Không chỉ tiềm năng điện gió, Điện Biên còn có lợi thế trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác, như: Dự án điện sinh khối, tổng công suất là 100MW; dự án thủy điện tích năng, tổng công suất dự kiến 3.200MW; dự án điện rác, công suất dự kiến là 3MW. Ngày 13/3/2023, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (Công ty TNHH CME BIOMASS HOLDINGS) trồng rừng tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy điện sinh khối trên địa bàn 4 huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa. Theo đó, tổng diện tích đề xuất thực hiện dự án gần 66.000ha, với tổng vốn đăng ký hơn 636,5 tỷ đồng.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh hiện có các hệ thống điện mặt trời mái nhà với quy mô công suất nhỏ hơn 1MWp, chủ yếu lắp đặt trên mái nhà các hộ gia đình, nhà xưởng và một số trên mái nhà công trình nông nghiệp thuộc dự án trồng cây công nghệ cao, không chiếm dụng diện tích đất dự án (tận dụng diện tích trên mái nhà) nên không phải thực hiện giải phóng mặt bằng thu hồi đất dự án và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 475 khách hàng đã đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có tổng công suất 28,896MWp, sản lượng điện mặt trời mái nhà (2019 - 2021) đạt 35,869 triệu kWh.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 Công ty Điện lực Điện Biên đã dừng tiếp nhận đăng ký nhu cầu lắp điện mặt trời mái nhà (do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực đến hết năm 2020). Trong Quy hoạch điện VIII, điện mặt trời chiếm 8,5% (tổng quy mô công suất nguồn và không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung và nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Trong đó, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Vì vậy, tỉnh Điện Biên có tiềm năng phát triển, bởi nền nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh từ 20 - 220C, nhiệt độ cao nhất 38 - 420C; trong đó có khoảng 5 tháng (từ tháng 5 - tháng 9) có nhiệt độ trung bình trên 250C.

Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh ngoài các dự án thủy điện vừa và nhỏ, hệ thống điện mặt trời mái nhà quy mô nhỏ, thì chưa có dự án điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt, điện sinh khối, điện rác được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên các tiềm năng về điện gió, điện rác điện, điện sinh khối, thủy điện tích năng trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh chấp thuận cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát và đề xuất bổ sung trong Quy hoạch điện VIII và cập nhật trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch Điện VIII, về phân bổ cơ cấu nguồn đến năm 2030, nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, điện sinh khối sẽ chiếm gần 30% tổng quy mô công suất nguồn. Trong khi tiềm năng điện gió trên địa bàn tỉnh khoảng 1.900MW, điện sinh khối khoảng 100MW, điện mặt trời khoảng 800MW, điện rác khoảng 10MW, thủy điện tích năng khoảng 3.200MW... Vì vậy, việc sớm triển khai nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng địa phương, quốc gia, rút ngắn chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên tương lai. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, đầu tư vào lĩnh vực này.

Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top