Đầu tư kiên cố hóa giao thông nông thôn

08:24 - Thứ Ba, 13/06/2023 Lượt xem: 5245 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, huy động tối đa nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn (GTNT). Nhờ đó, tỷ lệ đường GTNT trên địa bàn được nhựa, bê tông hóa ngày càng cao, giúp người dân đi lại, thông thương hàng hóa thuận lợi.

Nhà thầu thi công bê tông hóa tuyến đường liên xã Keo Lôm - Noong U (huyện Điện Biên Đông).

Điện Biên Đông là huyện vùng cao có hạ tầng giao thông khó khăn nhất tỉnh. Những năm gần đây, huyện Điện Biên Đông đã huy động tối đa nguồn lực đầu tư kiên cố hóa hệ thống GTNT. Hiện nay, huyện Điện Biên Đông đang quản lý 11 tuyến đường nội thị, đường huyện và liên xã với 199,15km. Tỷ lệ kiên cố hóa đạt 53,18% tương ứng với 105,9km đường đã được rải nhựa, bê tông hóa. Toàn huyện có 10/14 xã, thị trấn đã cơ bản có đường nhựa hoặc bê tông từ trung tâm huyện đến xã. Trong đó, có 8/10 xã có đường nhựa, bê tông hóa 100% và 2 xã: Noong U, Pú Nhi đạt 73,33%. Còn 4 xã: Xa Dung, Pú Hồng, Háng Lìa và Tìa Dình, tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã chưa được kiên cố. Đồng thời, toàn huyện có hơn 459,34km đường từ trung tâm các xã, thị trấn đi các thôn bản do chính quyền cấp xã quản lý; đến nay đã có 166,274km được bê tông hóa, đạt tỷ lệ 36,20%.

Giai đoạn 2022 - 2024, huyện Điện Biên Đông đã và đang đầu tư 11 dự án kiên cố hóa hệ thống GTNT. Bên cạnh đó, một số tuyến tỉnh lộ như: Tuyến đường ĐT.143 Noong Bua - Pu Nhi - Na Son (đoạn Nà Nghè - Pu Nhi - Noong U - Na Son) đang được thi công góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn huyện, nhất là các xã: Pú Nhi, Noong U, Na Son có tuyến đường chạy qua.

Trước năm 2022, tuyến đường từ bản Chua Ta B, xã Tìa Dình đến xã Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông) là đường đất, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Đầu năm 2022, tuyến đường giao thông từ trụ sở xã mới đến bản Chua Ta B (xã Tìa Dình) được đầu tư làm mới và sửa chữa nâng cấp đường Háng Lìa - Tìa Dình. Con đường đất nắng bụi, mưa lầy trước kia đã được bê tông hóa, thỏa lòng mong mỏi của người dân nhiều năm nay, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đây chỉ là tuyến đường thôn bản thứ 3 của xã Tìa Dình được bê tông hóa.

Ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Hệ thống giao thông ở xã Tìa Dình là khó khăn nhất huyện Điện Biên Đông. Đến hết năm 2022, toàn xã mới chỉ có 3/10 thôn bản có đường bê tông. Giai đoạn năm 2022 - 2024, từ nguồn vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, xã Tìa Dình được đầu tư thêm 2 tuyến nội bản, gồm: Đường Na Hay - Tìa Ghếnh - Háng Sua (xã Tìa Dình) đến xã Sam Kha (huyện Sốp Cộp, Sơn La) và tuyến Nà Nếnh C (xã Pú Hồng) đến bản Na Su - Chua Ta (xã Tìa Dình). Hiện nay các dự án đang được triển khai thi công nhưng 2 tuyến này cũng chỉ được rải cấp phối. Khi các dự án đưa vào sử dụng, xã Tìa Dình sẽ có 5/10 bản có đường ô tô vào tới trung tâm bản.

Những năm qua các huyện tập trung huy động nguồn lực để kiên cố hóa hệ thống giao thông. Đơn cử như huyện Mường Nhé, bình quân mỗi năm huy động được hơn 4.000 ngày công từ Nhân dân xây dựng mới hơn 27km đường GTNT. Hoặc như huyện Tủa Chùa, tính đến năm 2022 toàn huyện có hơn 1.050 hộ gia đình, cá nhân hiến hơn 81ha đất và gần 6.000 ngày công để xây dựng hạ tầng giao thông.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.618km đường giao thông các loại; trong đó gần 4.000km đường GTNT. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 59 xã đạt tiêu chí về giao thông. Dự kiến đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới về giao thông.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa hoặc nhựa hóa 100% hệ thống tuyến đường xã; đảm bảo các xã có đường giao thông đi lại thuận tiện trong 4 mùa. Nâng cấp các tuyến đường trục thôn, bản đạt tỷ lệ cứng hóa khoảng 90%, gắn liền với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh xác định sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đảm bảo chất lượng và phát huy tối đa công năng của các công trình giao thông khi đưa vào khai thác sử dụng; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển các tuyến đường đến trung tâm xã, đường thôn, bản đều đạt chuẩn đường GTNT theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực, cộng đồng doanh nghiệp, dân cư trong thực hiện kiên cố hóa GTNT, góp phần hoàn thiện tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top