Khó kiểm soát hàng giả, kém chất lượng ở vùng cao

14:33 - Thứ Tư, 14/06/2023 Lượt xem: 5092 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, lực lượng chức năng tỉnh (nòng cốt là quản lý thị trường) đã đẩy mạnh công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt chú trọng địa bàn vùng cao, xử phạt hành chính và tịch thu tiêu huỷ hàng nghìn sản phẩm giả, hàng kém chất lượng. Thế nhưng hàng giả vẫn len lỏi vào thị trường, có mặt trong đời sống sinh hoạt của người tiêu dùng vùng cao. Để ngăn chặn tình trạng này, trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, phối hợp với lực lượng chức năng. Cùng đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân góp phần làm cho hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các địa bàn vùng cao khó tồn tại.

Hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Tủa Chùa tự tiêu hủy hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng.

Tại các xã vùng cao, không khó để bắt gặp những gian hàng di động được chở bằng xe máy, ô tô luồn lách tới từng thôn, bản phục vụ người dân, với đủ các mặt hàng từ bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng... màu sắc sặc sỡ, bắt mắt được gắn đầy đủ các loại mác. Điểm đáng chú ý là trên những sạp hàng tạp hóa, từ bánh kẹo đến nước ngọt, nước mắm, bột giặt giá rẻ thường có tên gần giống với hàng chính hãng, chỉ thay đổi một vài chữ, nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Ví dụ như bánh mác Choco Pai gần giống với Choco Pie, bánh Custard gần giống với Custas, nước lọc Aqualana với nhãn hiệu Aquafina... Thậm chí tình trạng này cũng diễn ra tại một số cửa hàng cố định trên địa bàn các xã. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh hàng hóa, nhãn mác, hàng kém chất lượng. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động từng đối tượng kinh doanh, ký cam kết không vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực. Tuy nhiên vẫn khó kiểm soát hết.

Nguyên nhân do địa bàn rộng, lực lượng chức năng mỏng, trong khi đời sống người dân còn nghèo, tâm lý muốn được mua hàng rẻ, không cần biết chính hãng, chỉ cần sản phẩm có sự chênh lệch giá thì người dân sẽ ưu tiên chọn hàng rẻ hơn. Thói quen đó đã vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện. Mặt khác, do các chế tài xử phạt còn nhẹ, mới dừng ở mức độ tiêu hủy hàng, xử phạt hành chính nên tác dụng răn đe thấp. Bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp theo kiểu truyền thống, thì hiện nay với sự phát triển của nền kinh tế số, hàng giả, hàng lậu được bán khá nhiều qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, chế tài xử lý vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay dường như vẫn còn nhẹ, trong khi lợi nhuận thu được từ kinh doanh mặt hàng này lớn nên một số đối tượng vẫn tái phạm nhiều lần.

Mới đây nhất, ngày 16/5, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 8,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón 6 tháng về hành vi buôn bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với cửa hàng kinh doanh phân bón do ông Lại Văn Định, có địa chỉ bản Nậm Chim 1, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) làm chủ cửa hàng. Theo đó, tại thời điểm kiểm tra cửa hàng kinh doanh đang bán lẻ các loại phân bón URÊ Hà Bắc, phân bón Hà Bắc...

Từ đầu năm đến ngày 9/6, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 286 vụ, với gần 7.000 thương nhân. Qua kiểm tra phát hiện 156 vụ việc vi phạm các quy định về lĩnh vực kinh doanh, buôn bán hàng hóa và xử phạt hành chính gần 480 triệu đồng (chủ yếu ở các huyện vùng cao); trong đó có 71 vụ vi phạm hàng hóa về lĩnh vực giá, còn lại vi phạm các lĩnh vực như: Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa hết niên hạn sử dụng, không niêm yết bảng giá mặt hàng... Tuy nhiên, việc xử lý chỉ mới dừng lại đối với người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ, chưa tận gốc nên dễ tái diễn.

Hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng không chỉ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, hình ảnh cũng như uy tín các doanh nghiệp, thương hiệu làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, thì cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết hàng hóa vi phạm quy định, cách nhận biết hàng thật, hàng giả cho cả người tiêu dùng và người kinh doanh. Chính nhiều hộ kinh doanh ở vùng cao còn chưa biết đâu là hàng giả, thì khó có thể tránh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Vận động người dân tích cực phối hợp, thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi, thủ đoạn, đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận

Tin khác

Back To Top