Quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã

16:43 - Chủ Nhật, 18/06/2023 Lượt xem: 8351 In bài viết

ĐBP - Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn hoạt động, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tăng cường các biện pháp quản lý để hạn chế vi phạm trong lĩnh vực hoạt động này; góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình, giảm áp lực săn bắt các loài động vật hoang dã trong tự nhiên.

Cơ sở gây nuôi cầy vòi mốc của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, tổ 9, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ.

Tại huyện Mường Ảng hiện có 9 cơ sở nuôi động vật hoang dã, trong đó có 1 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục CITES và 8 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường. Số lượng cá thể động vật hoang dã tại các hộ gây nuôi, nhỏ, lẻ, loài nuôi chủ yếu là: nhím 41 cá thể; lợn rừng 14 cá thể; dúi 60 cá thể; cầy vòi mốc 8 cá thể.

Theo ông Đỗ Tiến Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng, huyện hiện có hơn 14.761ha đất có rừng, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên với trên 13.110ha, là môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã cần được bảo vệ. Do vậy, việc siết chặt quản lý cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã được cấp phép là rất cần thiết, góp phần hạn chế tình trạng người dân săn bắt động vật rừng ngoài tự nhiên. Nhờ làm tốt công tác quản lý, hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi nên những năm gần đây tình trạng săn bắt các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ngoài tự nhiên trên địa bàn huyện giảm hẳn. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, qua kiểm tra các hộ gia đình nôi nhốt nhím, lợn rừng, dúi, cho thấy các hộ đã chấp hành tốt quy chế quản lý, xuất nhập theo quy định hiện hành, không có hộ nào vi phạm quy chế quản lý, chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thấy được lợi ích nhiều mặt trong việc gây nuôi động vật hoang dã, trong những năm gần đây, các cấp chính quyền và lực lượng kiểm lâm trong tỉnh đã tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có 73 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, trong đó có 14 cơ sở nuôi động vật nguy cấp, quý hiếm và động vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục CITES và 59 cơ sở nuôi động vật thông thường. Số lượng cá thể nuôi tại các cơ sở không lớn, loài nuôi chủ yếu là rắn hổ mang một mắt kính 1.059 cá thể, cầy vòi thuốc 94 cá thể, hươu sao 191 cá thể, dúi 1.951 cá thể.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hầu hết các cá thể động vật hoang dã đang được gây nuôi tại các cơ sở là những loài có giá trị kinh tế cao trên thị trường, nhưng số cá thể trong tự nhiên lại đang có xu hướng giảm sút. Nếu không quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi này, sẽ dễ xảy ra hiện tượng lợi dụng đưa các cá thể động vật hoang dã ngoài tự nhiên vào trại nuôi, thu lợi bất chính, tăng nguy cơ săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã trái pháp luật. Chính vì vậy, tất cả các cơ sở nuôi đều được lực lượng kiểm lâm và chính quyền các địa phương cấp sổ theo dõi, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi như làm các thủ tục cấp mã số cơ sở nuôi (nếu có nguồn gốc vật nuôi hợp pháp, bảo đảm vệ sinh môi trường) và xuất, nhập cho người chăn nuôi. Chỉ riêng trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 6 hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi, các cơ sở đều chấp hành và thực hiện đầy đủ các điều kiện gây nuôi theo quy định của pháp luật.

Ông Phạm Văn Dũng là một trong những người đầu tiên ở đội 13, xã Thanh Luông nuôi rắn hổ mang một mắt kính. Biết đây là loài động vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, ông Dũng đã chủ động khai báo với chính quyền địa phương; được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp chứng nhận Cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, cấp mã số và mở sổ theo dõi. Hiện cơ sở nuôi rắn hổ mang một mắt kính của gia đình ông có khoảng 250 con với đủ các chủng loại, kích cỡ.

Việc cấp phép chăn nuôi động vật hoang dã ngoài hiệu quả về hạn chế việc săn bắt ngoài tự nhiên, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi động vật hoang dã theo quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình chăn nuôi cầy vòi mốc của anh Nguyễn Văn Hùng, tổ 9, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Năm 2022, gia đình anh đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi cầy vòi mốc với đầy đủ hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường và được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp mã số cơ sở nuôi từ tháng 10/2022. Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Từ 10 cá thể ban đầu, đến nay cơ sở của tôi đã phát triển lên gần 20 cá thể. Việc ghi chép hoạt động chăn nuôi, xuất, nhập cá thể nuôi tại cơ sở được thực hiện nghiêm túc. Thức ăn của cầy vòi mốc chủ yếu là chuối sứ chín, cháo, trứng… rất dễ mua và giá thành cũng không cao. Mỗi đôi cầy vòi mốc giống chỉ cần nuôi khoảng 2 tháng là có thể xuất bán. Với giá bán một đôi cầy vòi mốc giống trên thị trường hiện nay dao động từ 13 - 15 triệu đồng một đôi đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập không nhỏ.

Để đưa hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã đi vào nền nếp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình nuôi, nhốt động vật hoang dã. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp mã số trại nuôi, cấp phát sổ theo dõi hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã cho từng cơ sở gây nuôi để các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trong tỉnh ghi chép, lưu trữ những thông tin liên quan đến việc quản lý được thuận lợi, hiệu quả. Cùng với đó kiên quyết xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép gây nuôi đối với các cơ sở không tuân thủ các quy định về gây nuôi động vật hoang dã.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top