Đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa nắng nóng

08:30 - Thứ Ba, 20/06/2023 Lượt xem: 4827 In bài viết

ĐBP - Nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao trong thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức đề kháng và khả năng phát triển của đàn vật nuôi, đồng thời tạo điều kiện cho một số loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh. Trước tình hình đó, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp chống nắng nóng, phòng dịch bệnh cho vật nuôi.

Người dân xã Noong Luống bổ sung thức ăn xanh cho bò.

Ngay từ đầu mùa nắng nóng, chị Nguyễn Thị Tỵ, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) đã chủ động thực hiện các giải pháp chống nắng cho đàn lợn của gia đình. Chị Tỵ cải tạo chuồng trại thông thoáng; khi trời nóng thì tắm cho lợn từ 1 - 2 lần/ngày, thức ăn bổ sung các loại vitamin. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh chuồng trại đảm bảo sạch sẽ, phun thuốc khử trùng; định kỳ tiêm đầy đủ các loại vắc xin như tụ huyết trùng, tai xanh... Xung quanh chuồng nuôi, chị Tỵ trồng thêm cây xanh để tạo bóng mát. Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng cao điểm, chị bổ sung muối ăn hoặc chất điện giải vào nước uống cho lợn.

Chăn nuôi gà với số lượng lớn, trong khi gà là loài vật chịu nóng kém, để bảo vệ an toàn cho đàn gà của gia đình, ngay từ những ngày đầu hè, chị Lê Thùy Dương, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) đã chủ động giảm mật độ nuôi phù hợp với từng loại gà đẻ, gà thịt và gà con. Ngoài việc làm thông thoáng chuồng trại, chị Dương còn phủ thêm rơm, rạ lên mái chuồng nuôi để giảm nhiệt độ trong chuồng. Đồng thời luôn cung cấp đủ nước sạch, mát có bổ sung chất điện giải cho gà uống nhằm tăng sức đề kháng và giải nhiệt cho đàn gà. Nhờ đó, đàn gà gia đình chị sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh.

Hiện nay toàn tỉnh có gần 136.500 con trâu, hơn 98.200 con bò, gần 311.000 con lợn và trên 4,6 triệu con gia cầm. Thời gian qua, nắng nóng đã làm một số loại dịch bệnh xuất hiện trên đàn vật nuôi. Trong đó, chủ yếu là các loại bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, nhiệt thán, dại, tả lợn châu phi… Từ ngày 15/4 - 15/5 bệnh tụ huyết trùng đã làm 12 con lợn chết trên địa bàn huyện Điện Biên và Nậm Pồ; 12 con trâu, bò bị chết trên địa bàn huyện Điện Biên và Mường Nhé. Để duy trì, phát triển ổn định chăn nuôi trong thời kỳ nắng nóng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống nắng nóng và dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè cho từng đối tượng vật nuôi. Trong đó, người dân cần chú ý hạ nhiệt, làm mát chuồng trại, cung cấp đủ nước uống sạch và thức ăn dễ tiêu hóa, có bổ sung vi lượng cần thiết cho vật nuôi. Ngoài ra, thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi, phát hiện sớm các con vật bị ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng sẽ tiếp tục xuất hiện trên diện rộng với cường độ mạnh hơn trong tháng 7, gây bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết để thông tin kịp thời đến người chăn nuôi, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho vật nuôi; tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng như điều kiện, trình tự, thủ tục hỗ trợ khi vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai. Đồng thời tăng cường tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, nhất là đối với bệnh dại (tính đến ngày 4/6, mới có 8/10 đơn vị cấp huyện triển khai tiêm phòng dại được 34.126 liều, đạt 38,1% tổng đàn). Ngành nông nghiệp đã phân công cán bộ bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình sản xuất chăn nuôi; hướng dẫn, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng cho vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, quản lý, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Phối hợp triển khai thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.

Đối với người chăn nuôi cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và bổ sung các loại khoáng, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm. Chú ý vệ sinh môi trường trong và xung quanh khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả. Đặc biệt, người dân cần báo với chính quyền, cơ quan chức năng khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu bị nhiễm các loại bệnh, tránh để lây lan dịch bệnh. Tránh tình trạng như một số người dân trên địa bàn huyện Tủa Chùa khi có bò, trâu ốm chết do mắc bệnh nhiệt thán đã không báo với chính quyền địa phương mà mổ, ăn thịt làm 13 người mắc bệnh nhiệt thán (bệnh than) và 132 người tiếp xúc với mầm bệnh.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top