Thu phí tự động không dừng (ETC): Tiền đề cho giao thông thông minh

15:37 - Thứ Năm, 22/06/2023 Lượt xem: 3703 In bài viết

Hiệu quả từ triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc thời gian qua đã tạo bước đột phá trong việc giảm ùn tắc tại trạm thu phí trong các dịp cao điểm; minh bạch thu phí sử dụng đường bộ. Đây chính là tiền đề để hướng tới những mục tiêu xa hơn trong phát triển giao thông thông minh.

Trạm thu phí tự động không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Tuấn Khải

Nhiều lợi ích thiết thực

Từ ngày 1-6-2022, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến đường đầu tiên trên cả nước thí điểm triển khai thu phí ETC trên toàn tuyến. Trong những ngày đầu, lượng phương tiện dán thẻ đầu cuối chưa nhiều, trong khi phát sinh các vấn đề như: Lỗi thẻ; nhiều chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt để trả phí, chưa nạp tiền vào tài khoản thu phí nhưng vẫn đi xe vào cao tốc; tài khoản trừ tiền sai… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải cùng với sự vào cuộc tích cực của Cục Đường bộ Việt Nam và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI (chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), quá trình thí điểm đã cho kết quả khả quan.

“Thành công hơn cả mong đợi! Qua một tháng thí điểm, số lượng xe sử dụng dịch vụ ETC trên tuyến đạt hơn 46.400 chiếc một ngày, bằng 107% lưu lượng trung bình 22 ngày trước khi thực hiện thí điểm. Bình quân mỗi ngày có thêm hơn 1.600 xe đăng ký dán thẻ và sử dụng dịch vụ. Trong thời gian thí điểm không xảy ra các lỗi kỹ thuật của hệ thống” - Phó Giám đốc Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc ô tô Hà Nội - Hải Phòng Bùi Thị Quỳnh cho biết.

Kết quả thí điểm thành công trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tiền đề quan trọng để nhân rộng, thực hiện chủ trương bắt buộc các tuyến cao tốc trong cả nước chỉ thu phí ETC từ ngày 1-8-2022. Các nhà đầu tư đã dồn lực lắp đặt xong hệ thống thu phí ETC trên các tuyến cao tốc. Cục Đường bộ Việt Nam cùng các đơn vị liên quan chủ động khắc phục khó khăn, từng bước điều chỉnh, loại bỏ các lỗi kỹ thuật để quá trình phương tiện lưu thông, thu phí được nhanh gọn và chính xác.

“Trước đây, đặc biệt vào các dịp cao điểm, lễ, Tết, việc lưu thông qua các trạm thu phí trên cao tốc rất khó khăn. Từ ngày nhân rộng thu phí ETC, thời gian mỗi phương tiện qua trạm rút ngắn 6-7 lần so với thu phí thủ công nên việc lưu thông trở nên thuận lợi. Người tham gia giao thông nhận thấy lợi ích thiết thực nên đều ủng hộ” - anh Nguyễn Trung Thành (ở Khu đô thị Times City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận, các tuyến cao tốc chỉ thu phí ETC là bước chuyển quan trọng trong xây dựng hạ tầng giao thông thông minh. Đó không chỉ là giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, giảm ùn tắc trầm trọng ở trạm thu phí, mà còn giúp minh bạch việc thu phí, tạo niềm tin cho người dân, giảm sử dụng tiền mặt.

Hướng tới thu phí mở

Sau gần một năm đồng loạt triển khai thí điểm thu phí ETC, đến nay, theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, số lượng phương tiện đã được dán thẻ đầu cuối trên toàn quốc đạt hơn 4,2 triệu, chiếm hơn 90% tổng lượng phương tiện đang lưu hành. Đại diện đơn vị quản lý vận hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, tỷ lệ lỗi chỉ chiếm 0,01% tổng số giao dịch mỗi ngày.

“Có thể nói, chúng ta đã hoàn thành giai đoạn I của việc chuyển đổi từ thu phí thủ công sang thu phí ETC, chuẩn bị cho giai đoạn II và giai đoạn III là thu phí mở - các trạm thu phí không còn barie, chỉ duy trì dải phân cách các làn, các phương tiện lưu thông tự do” - Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) Tô Nam Toàn cho biết.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 3.000km đường cao tốc và đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.000km. Nhu cầu ứng dụng công nghệ để quản lý, vận hành là rất lớn. Bộ Giao thông - Vận tải đã xây dựng đề án đầu tư, quản lý khai thác hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên đường cao tốc. Trong đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến sẽ triển khai thu phí ETC theo hình thức liên tuyến, bỏ barie.

Để có thể bỏ được barie tại các trạm thu phí, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý. Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Công an dự thảo quy định bắt buộc mỗi phương tiện phải có tài khoản định danh gắn với biển số xe và tài khoản cá nhân của chủ phương tiện tại ngân hàng. Việc trả phí giao thông, trả tiền phạt vi phạm giao thông đều qua tài khoản này, do đó cần có sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của dự án, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng chức năng thanh toán của tài khoản giao thông, thay vì chỉ thanh toán cho thu phí đường bộ. Chủ phương tiện sẽ được dùng tài khoản này thanh toán cho các loại phí dịch vụ khác như ra vào sân bay, thanh toán phí đường bộ, đỗ xe…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top