Hoàn thành trồng rừng phòng hộ và rừng thay thế

08:36 - Thứ Tư, 28/06/2023 Lượt xem: 4835 In bài viết

ĐBP - Thời điểm này, bắt đầu vào mùa mưa, cũng là mùa trồng rừng. Chính quyền các địa phương đang tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trồng rừng tập trung năm 2023. Hiện nay, đối với các diện tích đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, các đơn vị đã bắt đầu chuyển cây, hướng dẫn người dân xuống giống trồng rừng. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng rừng, hoàn thiện công tác chuẩn bị đối với những diện tích còn thiếu, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng tỉnh giao.

Người dân xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) đào hố, chuẩn bị trồng rừng phòng hộ năm 2023.

Năm 2023, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh giao, toàn tỉnh trồng mới 453,07ha rừng tập trung. Trong đó có 165ha rừng phòng hộ; 250ha rừng sản xuất và 38,07ha rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác.

Ẳng Cang là 1 trong 2 xã được UBND huyện Mường Ảng giao kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ tập trung năm 2023. Ngay từ đầu năm, UBND xã đã tổ chức rà soát, khảo sát diện tích đất lâm nghiệp, nhu cầu trồng rừng tại các bản trên địa bàn. Năm nay, xã Ẳng Cang tổ chức trồng rừng tập trung tại 3 bản: Hua Nặm, Pú Cai và Pá Liếng. Đảng ủy, UBND xã Ẳng Cang tổ chức nhiều cuộc họp dân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác trồng rừng đến người dân, đồng thời vận động các hộ dân đăng ký trồng rừng. Đến nay, người dân đã đăng ký trồng với tổng diện tích 37,2ha, vượt 7,2ha so với kế hoạch UBND huyện giao.

Ông Đào Duy Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Ẳng Cang cho biết: Trồng rừng phòng hộ là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội quan trọng trong năm của xã Ẳng Cang. Năm nay, 3 bản được lựa chọn trồng rừng đều là những bản đầu nguồn của hồ chứa nước Ẳng Cang nhằm tạo vùng sinh thủy cho hồ chứa thủy lợi. Về tiến độ triển khai, đến thời điểm ngày 22/6, 100% diện tích người dân đăng ký trồng rừng đã được phát dọn thực bì, chuẩn bị đào hố. Xã Ẳng Cang phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng trong nửa đầu tháng 7/2023.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến ngày 22/6, tổng diện tích rừng phòng hộ toàn tỉnh đã khảo sát, thiết kế và tổ chức phát dọn thực bì, đào hố, chuẩn bị xuống giống đạt 145/165ha, trong đó: Huyện Tuần Giáo thực hiện 50/50ha; Mường Ảng đạt 55/55ha; Mường Chà đạt 20/40ha.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Huyện Mường Chà mới đạt 50% kế hoạch trồng rừng UBND tỉnh giao. Hiện nay, đơn vị đang tập trung hướng dẫn người dân đào hố, chuẩn bị cây giống để triển khai trồng rừng tại những diện tích đã hoàn thành công tác chuẩn bị. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng rừng. Mường Chà sẽ quyết tâm hoàn thành kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ năm 2023.

Năm 2023, toàn tỉnh thực hiện trồng mới 38,07ha rừng thay thế. Đến nay, huyện Điện Biên đã hoàn thành trồng 5,26/5,26ha; huyện Tuần Giáo đã khảo sát, thiết kế và phát dọn thực bì với diện tích 20/20ha và huyện Mường Chà đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 12,81/12,81ha.

Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Đến thời điểm này, có thể chắc chắn rằng kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2023 đã hoàn thành 100%; rừng phòng hộ vẫn còn 20ha chưa triển khai tại huyện Mường Chà. Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn, đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo lịch thời vụ. Khó khăn nhất trong công tác trồng rừng năm 2023 là kế hoạch trồng rừng sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh mới hoàn thành khảo sát, thiết kế được 30/50ha rừng sản xuất, đều thuộc huyện Mường Ảng; còn huyện Tuần Giáo và Mường Nhé chưa thực hiện do chưa vận động được người dân tham gia trồng rừng.

Về việc triển khai các dự án trồng rừng sản xuất không được thuận lợi như các dự án trồng rừng phòng hộ, thay thế, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết: Nguyên nhân do suất đầu tư các dự án trồng rừng sản xuất thấp hơn khá nhiều so với suất đầu tư trồng rừng phòng hộ và trồng rừng thay thế. Tại huyện Tuần Giáo phần lớn diện tích đất của người dân đã chuyển đổi sang trồng cao su, mắc ca, cây ăn quả... dẫn đến thiếu diện tích đất trồng rừng sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân thiếu nhân lực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hiện nay, đơn vị vẫn đang tích cực phối hợp với UBND các xã trong việc vận động người dân đăng ký. Tuy nhiên, với tiến độ hiện tại, huyện Tuần Giáo khó có thể hoàn thành kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2023.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top