Công tác giảm nghèo tại các huyện nghèo chuyển biến tích cực

08:11 - Thứ Sáu, 30/06/2023 Lượt xem: 5078 In bài viết

ĐBP - Theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên có 7 huyện nghèo (trừ TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay và huyện Điện Biên). Thời gian qua các huyện nghèo đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân giảm nghèo theo hướng bền vững. Nhờ đó, kết quả giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm.

Đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Tùng Lâm thi công dự án nâng cấp đường liên thôn Kể Cải - Từ Ngài 2 - Từ Ngài 1 - Háng Trở (xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa).

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các huyện nghèo chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác giảm nghèo bền vững; nội dung thông tin, tuyên truyền phù hợp, thiết thực; hình thức đa dạng, phong phú để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa chính sách giảm nghèo và khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo. Đồng thời tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển dạy nghề, nâng cao dân trí; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Tủa Chùa là một trong 7 huyện nghèo theo Quyết định 353 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác giảm nghèo của huyện phải đối mặt với nhiều thách thức như: Địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, tâm lý trông chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước của một bộ phận dân cư; sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ đạo nhưng giá trị sản xuất rất thấp... Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, huyện Tủa Chùa đã rà soát nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao để đưa ra các giải pháp khắc phục. Qua rà soát, nguyên nhân chủ yếu do thiếu các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nên thời gian qua huyện đã tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Điển hình như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ tại xã Trung Thu với quy mô ban đầu 4ha. Hiện nay, năng suất khoai đạt trung bình 12,5 tấn/ha, giá thu mua tối thiểu 8.000 đồng/kg; thu nhập sau khi trừ chi phí trung bình đạt 50 triệu đồng/ha. Đến nay mô hình được duy trì và nhân rộng hiệu quả. Kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội xã Trung Thu nói riêng, toàn huyện nói chung; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 40,72%.

Mường Ảng cũng là huyện thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo. Từ năm 2022 đến nay, huyện Mường Ảng đã huy động hơn 178 tỷ đồng triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình giảm nghèo. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao sinh kế cho người dân. Từ nguồn vốn trên, huyện Mường Ảng đã triển khai thực hiện 35 mô hình hỗ trợ sản xuất cộng đồng về trồng trọt, chăn nuôi gắn với quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp với từng địa bàn, với gần 1.000 người tham gia. Cùng với đó, triển khai thực hiện gần 20 công trình, dự án dân sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Các vấn đề y tế, giáo dục, lao động, việc làm... được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 38,06%.

Mỗi huyện nghèo một cách làm sáng tạo phù hợp nguyện vọng của người dân, cho nên kết quả giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu người dân; bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đến nay 100% huyện nghèo đều được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh. Từ nguồn vốn chương trình, từ năm 2022 đến nay phân bổ thực hiện 119 dự án; nhất là đầu tư các công trình hỗ trợ huyện Mường Ảng và Tuần Giáo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2022 - 2025.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở, việc làm cho người lao động được các địa phương chú trọng thực hiện. Riêng thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, từ năm 2022 đến nay các huyện nghèo được phân bổ hơn 119 tỷ đồng để thực hiện các dự án; hơn 47 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất… Trong công tác hỗ trợ lao động, có khoảng 13,8% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất; đào tạo việc làm cho hơn 9.000 lao động và giải quyết việc làm cho gần 11.000 lao động.

Tích cực triển khai các chương trình, chính sách, dự án đặc thù đã tạo động lực cần thiết để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Công tác giảm nghèo được triển khai gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác đã mang lại hiệu quả. Nhờ đó, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 30,35%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo của 7 huyện nghèo còn 44,41% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 (giảm 6,24% so với năm 2021). Trong đó, một số huyện tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh như: Mường Ảng còn 38,06%; Tủa Chùa giảm còn 40,72%; Mường Nhé còn 54,77%...

Kết quả giảm nghèo rất tích cực song chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Để công tác giảm nghèo tiếp tục đạt hiệu quả hơn, thời gian tới các huyện nghèo cần khắc phục những hạn chế, khó khăn như: Nhu cầu đầu tư lớn, song nguồn lực chưa đáp ứng được; huy động nguồn lực trong dân, trong cộng đồng còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Mô hình sản xuất và chăn nuôi phát huy hiệu quả còn ít, vấn đề tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa có hướng đi bền vững. Đặc biệt là tâm lý bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không quyết tâm vươn lên thoát nghèo của một số người nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top