Chuyển đổi cây trồng ứng phó với hạn hán

08:58 - Thứ Tư, 05/07/2023 Lượt xem: 6555 In bài viết

ĐBP - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Điện Biên, nhiệt độ trung bình từ tháng 3 - 5/2023 phổ biến xấp xỉ trên trung bình nhiều năm khoảng 0,5 - 1,00C; nắng nóng, nắng nóng cục bộ khả năng hoạt động cao hơn so với trung bình cùng thời kỳ nhiều năm. Trong tháng 3/2023, tổng lượng mưa ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 20%.

Người dân xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng chủ động chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô nhằm ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước. Trong ảnh: Chị Lường Thị Xoan, người dân bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở chăm sóc nương ngô.

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Mường Ảng đã xảy ra một số đợt nắng nóng, nắng nóng cục bộ. Từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 5 trên địa bàn huyện đã xảy ra những đợt nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến vật nuôi và diện tích cây trồng. Đất canh tác bị thu hẹp, chất lượng đất và năng suất cây trồng ngày một sụt giảm; trong đó 31,7ha đất trồng lúa 1 vụ và 2 vụ thiếu nước và không thể canh tác, gieo trồng.

Ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Để chống hạn cho cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức kiểm tra nguồn nước các công trình thủy lợi, khoanh vùng diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng kế hoạch tưới cụ thể cho từng vùng; bố trí cơ cấu sản xuất vụ mùa, thời điểm xuống giống phù hợp. Đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023. Cụ thể chuyển đổi 22,7ha (trong số 31,7ha đất lúa thiếu nước canh tác) sang trồng ngô, 9ha trồng lạc. Nâng cao năng lực dự báo nguồn nước, hạn hán, bảo đảm chủ động ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.

Ẳng Tở là một trong những xã đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ứng phó với tình hình hạn hán, nắng nóng kéo dài. Xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến các hộ dân. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong phổ biến chủ trương, kế hoạch, dự án, chính sách liên quan đến kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện.

Ông Đào Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Thời gian qua, xã luôn quan tâm xác định cơ cấu cây trồng cho phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chân ruộng, tập quán sản xuất và nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho phù hợp với từng loại cây trồng; xây dựng các mô hình trình diễn về giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh, các kỹ thuật canh tác tiến bộ thích ứng với biến đổi khí hậu... Qua rà soát của các bản, tổng diện tích nhu cầu đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 là 8ha, đa phần chuyển đổi trên đất trồng lúa 1 vụ và 2 vụ thiếu nước canh tác sang một số cây hoa màu hàng năm (4ha ngô; 4ha lạc).

Chị Lường Thị Xoan, người dân bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở cho biết: Nhà tôi có hơn 6.000m2 đất lúa 1 vụ, những năm gần đây do thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng kéo dài, ít mưa nên năng suất lúa rất thấp. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, năm nay gia đình tôi đã san gạt lại ruộng, chuyển sang trồng ngô lai. Ngô là giống cây không cần nhiều nước như trồng lúa, và có khả năng chịu hạn tốt hơn cây lúa, ngoài ra công chăm sóc cũng ít hơn. Hiện nay, ngô đã trổ cờ, gia đình đang đợi khi có mưa sẽ bón tiếp một lượt phân thúc cho bắp to và đẫy hạt hơn.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top