ĐBP - Vụ lúa mùa 2023, huyện Điện Biên gieo cấy hơn 5.300ha; trong đó các xã vùng lòng chảo gần 4.000ha, các xã vùng ngoài gần 1.400ha. Đến nay, toàn huyện đã cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa vụ mùa. Thời điểm này, cây lúa đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh, nông dân trên địa bàn huyện tập trung chăm sóc, bón phân và phòng trừ các loại dịch bệnh gây hại để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Vụ sản xuất này, các giống lúa chủ lực gồm Bắc thơm số 7, Séng cù, Hana 112 chiếm từ 55 - 60% diện tích; các giống lúa nếp chiếm 20 - 30%; các giống lúa khác gồm: Đài thơm, Dự hương... khoảng 15% diện tích. Ngay từ đầu vụ, nhờ chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất và gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất nên đến thời điểm này toàn bộ diện tích lúa vụ mùa trên địa bàn huyện đang bước vào giai đoạn ra lá mới đến đẻ nhánh. Trên đồng ruộng người nông dân đang tập trung tỉa giặm những diện tích lúa gieo cấy không đều hoặc do chuột, ốc bươu vàng cắn phá; làm cỏ, dẫn nước vào ruộng, bón thúc đợt 1 để cây lúa đẻ nhánh khỏe, sớm đạt số nhánh tối đa. Đồng thời áp dụng các biện pháp thủ công hoặc dùng thuốc sinh học để diệt chuột, diệt ốc bươu vàng bảo vệ lúa.
Đang tỉa giặm lại những diện tích lúa gieo sạ không đều trên cánh đồng xã Thanh Xương (huyện Điện Biên), bà Lò Thị Inh cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy gần 5.000m2 lúa Bắc thơm số 7 và Séng cù. Ngay sau khi gieo cấy xong, tôi tích cực ra đồng điều tiết nước giúp cây lúa mọc đều và sử dụng thuốc sinh học để diệt chuột, ốc bươu vàng.
Theo nhận định của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên, vụ mùa năm nay thời tiết sẽ có diễn biến phức tạp. Tình trạng thiếu nước khu vực ruộng cao, hay mưa lũ, ngập úng cục bộ khả năng cao sẽ xảy ra, gây bất thuận cho sinh trưởng của cây trồng; đồng thời tạo điều kiện cho sinh vật gây hại phát sinh, tích lũy, gây hại mạnh. Qua rà soát (đến 27/6), trên địa bàn huyện có gần 1.300ha lúa mùa nhiễm các loại sâu bệnh, như: Ốc bươu vàng, chuột, tuyến trùng hại rễ, ruồi đục nõn...
Để đảm bảo năng suất và sản lượng lúa mùa, ngay từ đầu vụ, UBND huyện chỉ đạo các xã tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ từ khâu làm đất đến gieo cấy lúa, nhất là trà sớm. Riêng khâu làm đất, thu hoạch lúa xuân đến đâu lấy nước và làm đất ngay đến đó, giúp đất được làm kỹ, bảo đảm phân hủy gốc rạ trước khi gieo cấy lúa mùa. Các cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động duy trì mực nước hợp lý, không để ruộng thiếu nước, khô cạn hoặc ngập úng sau khi gieo cấy. Thường xuyên kiểm tra, củng cố bờ vùng, bờ thửa, chủ động tiêu thoát nước kịp thời khi mưa lớn. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng nồng độ - liều lượng; đúng lúc; đúng cách); không sử dụng thuốc ngoài danh mục. Đồng thời tăng cường kiểm tra, theo dõi, kịp thời phát hiện và phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại lúa.
Do chủ động chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên hiện nay diện tích lúa mùa trên địa bàn huyện đều sinh trưởng và phát triển tốt. Trên các trà lúa chưa phát hiện các loại sâu bệnh hại mới, sâu bệnh nguy hiểm. Đối với diện tích bị nhiễm các loại bệnh hại thông thường, người dân đã tiến hành phun phòng trừ được hơn 1.100ha. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, diễn biến thời tiết sẽ phức tạp và tình hình dịch bệnh trên cây lúa có nguy cơ phát triển mạnh, trong đó đáng chú ý là sâu đục thân, bọ rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn và chuột. Để bảo đảm cho vụ mùa thắng lợi, công tác phòng, trừ sâu bệnh cần được chính quyền địa phương và người dân quan tâm, tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại, không để lây lan diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.