Cách nào khơi thông dòng vốn tín dụng?

08:56 - Thứ Năm, 13/07/2023 Lượt xem: 3990 In bài viết

Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã được các ngân hàng triển khai. Bởi thực tế hiện nay, ngân hàng cũng rất cần cộng đồng doanh nghiệp để cho vay vốn. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề lãi suất, doanh nghiệp cũng cần đáp ứng các điều kiện, quy định của ngân hàng để được vay vốn.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Hỗ trợ giảm lãi, phí... 60.000 tỷ đồng

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đây là nhóm khách hàng mà ngành Ngân hàng dành ưu tiên trong hoạt động cấp tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đang rất khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Riêng với lĩnh vực ngân hàng, trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp đã được giảm lãi, miễn lãi, giảm phí tổng cộng 60.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp về lãi suất, tín dụng, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ được triển khai. Đây là nguồn lực rất lớn của các ngân hàng, cho thấy sự đồng hành với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Các tổ chức tín dụng cũng tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022. Do chính sách có độ trễ nên có thể các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới. Đây là cố gắng của Ngân hàng Nhà nước bởi khi hạ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để ổn định thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6-2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với năm 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so với năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn

Hiện nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều triển khai các chương trình cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số ngân hàng còn chủ động triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với điều kiện vay vốn và lãi suất thấp hơn so với các sản phẩm tín dụng thông thường.

Chẳng hạn Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có chương trình giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, thời gian áp dụng từ nay đến hết ngày 31-7-2023. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lần thứ 6 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn chỉ từ 8%/năm.

Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, với mức cấp tín dụng lên đến 10 tỷ đồng và tỷ lệ tài trợ đến 100% giá trị tài sản bảo đảm. Theo đại diện OCB, mức lãi suất cho chương trình này ưu đãi vượt trội so với thị trường và được áp dụng cho cả các khoản vay ngắn và trung, dài hạn. Thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng với thời gian phê duyệt và có thông báo cấp tín dụng chỉ trong vòng 48 giờ làm việc…

Về cơ hội tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, Ngân hàng Nhà nước không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản bảo đảm (thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ), Ngân hàng Nhà nước cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản bảo đảm và cũng không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn. Những vấn đề này hoàn toàn do tổ chức tín dụng tự quy định trong quy trình nội bộ. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Ngược lại, đại diện các ngân hàng cũng cho rằng, để thuận lợi hơn cho việc tiếp cận vốn, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần khắc phục những hạn chế của mình, đó là thiếu tính minh bạch trong quản trị kinh doanh, tài sản cố định ít, phương án sản xuất, kinh doanh chưa bài bản... bởi đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay. Doanh nghiệp cần phải nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ cũng như diễn biến kinh tế, tiền tệ, để tích cực triển khai các giải pháp từ phía ngành Ngân hàng, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top