Mùa dứa mật ở Pu Lau

09:00 - Thứ Năm, 13/07/2023 Lượt xem: 6051 In bài viết

ĐBP - Pu Lau là bản dân tộc Mông thuộc xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên). Trước kia Pu Lau là bản khó khăn, nghèo đói nhất xã. Những năm gần đây, nhờ sự chịu thương chịu khó cũng như tích cực phát triển cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, Pu Lau dần chuyển mình thành bản kiểu mẫu trong phát triển kinh tế.

Người dân bản Pu Lau thu hoạch dứa.

Pu Lau cách trung tâm xã Mường Nhà gần 15km, giao thông khá thuận lợi cho đi lại, buôn bán. Nhiều năm trở lại đây, khoảng tháng 6, tháng 7, hình ảnh bà con Pu Lau gùi, chở từng sọt dứa lớn từ nương xuống lán tạm, các tiểu thương đứng đợi để lấy hàng, chọn dứa không còn xa lạ. Sự tấp nập, nhộn nhịp của người bán người mua, niềm vui của bà con nặng trĩu trên từng gùi đầy ắp dứa, là sự khẳng định đây là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo nơi bản vùng cao biên giới này.

Dứa Pu Lau là giống dứa mật, có xuất xứ từ Lào, được ưa chuộng bởi vị ngọt, mọng nước và rất to. Trung bình mỗi quả dứa mật nặng từ 1,5-3kg. Trước kia dứa chỉ được trồng nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu gia đình; do hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên có chất lượng, năng suất cao, dần dần được bà con dân bản nhân rộng. Từ vài chục, vài trăm mét vuông ban đầu, đến nay diện tích dứa của bản đã đạt gần 60ha và là nơi có diện tích trồng dứa lớn nhất xã. Ða số người dân trong bản đều trồng dứa, từ diện tích nương lúa, nương sắn kém hiệu quả ban đầu dần được thay thế bằng những hàng dứa đều tăm tắp cho quả ngọt và nguồn thu nhập ổn định mỗi năm.

Ông Vàng A Tếnh, Bí thư Chi bộ bản Pu Lau cho biết: Trước khi mở rộng diện tích dứa, sinh kế của bà con chủ yếu trông chờ vào trồng sắn, ngô nên đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Từ năm 2017 đến nay, các hộ bắt đầu tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong khoảng thời gian đó, dứa mật đã giúp gần 10 hộ gia đình trong bản thoát nghèo. Sau khi mở rộng diện tích, các triền đồi quanh bản đều được bao phủ bởi dứa, nhà ít thì 1.000 - 2.000m2, nhà nhiều thì 1ha. Cả bản có 112 hộ, 417 nhân khẩu; nhờ phát triển dứa, hiện tại chỉ còn 7 hộ nghèo. Dứa mật dần trở thành nguồn thu nhập chính, ổn định tại địa bàn. Nhờ sự hiệu quả trong phát triển kinh tế cũng như sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã, thời gian tới bản Pu Lau sẽ tích cực học tập khoa học, kĩ thuật cũng như phối hợp thực hiện dự án mở rộng thêm 20ha dứa theo chủ trương của xã. Ðồng thời, đối với diện tích trồng tự phát của các hộ dân, sẽ cố gắng phát triển thêm 50ha để dứa mật trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của người dân bản Pu Lau.

Hiện đang là vụ thu hoạch dứa, dọc đường lớn đi qua bản là các lán tạm, sau mỗi chuyến xe chở dứa từ nương là cảnh tấp nập dỡ hàng, phân loại, đóng gói… của người bán, người mua; mỗi người một công, một việc rộn ràng, vui vẻ. Anh Vàng A Sống, người dân bản Pu Lau chia sẻ: Những năm trở lại đây nhờ dứa mà gia đình ổn định cuộc sống, không còn bị thiếu thốn bủa vây. Hiện tại, gia đình trồng gần 3.000m2 dứa, mặc dù diện tích không nhiều bằng một số hộ trong bản nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống. Mỗi cân dứa có giá dao động từ 8.000 - 12.000 đồng; mỗi lần thu hoạch đều được các thương lái đến tận nơi thu mua. Bản Pu Lau nằm cạnh đường vành đai biên giới kết nối quốc lộ 279, giao thông khá thuận lợi, xe khách chạy qua thường xuyên, liên tục nên ngoài buôn bán trực tiếp với thương lái, đối với những khách ở xa cũng có thể đóng hộp và gửi xe cho khách. Ước tính, gia đình thu nhập trên 40 triệu đồng mỗi vụ. Thời gian tới, khoảng đầu tháng 9, sau khi hết mùa, gia đình sẽ vỡ đất ở một số nương trồng lúa, ngô năng suất thấp còn lại thay thế bằng trồng dứa để phát triển kinh tế.

Với sự hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu cây trồng, dứa mật đang ngày một khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của bà con bản Pu Lau. Thời gian tới, cây dứa được kỳ vọng sẽ là cây trồng mũi nhọn trong xóa nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top