Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mường Nhé

07:48 - Chủ Nhật, 16/07/2023 Lượt xem: 6730 In bài viết

ĐBP - Nhờ biết tận dụng lợi thế về đất sản xuất để phát triển trồng cây ăn quả, gia đình ông Vàng Giống Sò, bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đã chuyển đổi thành công hơn 2ha đất trồng lúa nương sang trồng các loại cây ăn trái như: Cam, nhãn, xoài, vải và đặc biệt là cây dứa đem lại thu nhập cao cho gia đình. Ông Vàng Giống Sò kể: “Sau khi chuyển về đây định cư, tôi đã mua thêm đất để mở rộng diện tích đất sản xuất tập trung với 5ha. Ban đầu chỉ trồng lúa nương thôi nhưng đất nhanh bạc màu, năng suất kém nên tôi đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như: Nhãn, cam, ổi lai, xoài lai, trồng dứa và trồng xen kẽ cây sả nữa… Riêng cây sả thôi mỗi vụ tôi cũng thu được trên 10 triệu đồng, còn cây ăn quả thì ít nhất cũng được từ 20 đến 30 triệu đồng/vụ”.

Gia đình anh Sùng A Chinh, bản Nà Pán, xã Mường Nhé chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cho gia đình.

Không có nhiều đất trồng, sản xuất như ông Sò nhưng sau khi chuyển về định cư theo Ðề án 79, gia đình anh Sùng A Chinh, bản Nà Pán, xã Mường Nhé cũng mua thêm đất để phát triển trồng trọt. Hiện nay ngoài chăn nuôi, gia đình anh đã tận dụng rất hiệu quả gần 1ha đất trước đây chỉ trồng lúa nương sang trồng cây xoài, nhãn và vải mang lại thu nhập cho gia đình. Vườn cây của anh có hơn 120 gốc cây xoài, nhiều cây nhãn đã cho thu hoạch 2 đến 3 năm nay. Ngoài ra, gia đình anh cũng tận dụng canh tác hiệu quả gần 4.000m2 ruộng khai hoang. Anh Sùng A Chinh phấn khởi cho biết: “Khi mới mua đất nương tôi đã trồng lúa và sắn 1 vụ nhưng không mang lại hiệu quả gì. Từ đó tôi chuyển sang trồng cây ăn quả và thấy rằng trồng một lần là đã được thu nhiều năm, chỉ việc chăm sóc thôi không giống như trồng cây lúa. Còn diện tích ruộng nước từ khi về đây tôi mới đầu tư khai hoang và hiện tại có 4.000m2, mỗi vụ thu được khoảng 25 bao thóc. Nhờ chuyển đổi trồng cây ăn trái gia đình đã tăng thêm nguồn thu, còn ruộng trồng lúa là để phục vụ lương thực gia đình”. Hiện nay trên địa bàn xã Mường Nhé có khá nhiều mô hình phát triển trồng cây ăn quả và trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Xã đang cùng với huyện tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch vùng trồng cây công nghiệp như cà phê, keo, quế… Nhờ xác định được đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh chuyển dịch các loại giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Xã đã phối hợp các phòng chuyên môn như: Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Bảo vệ thực vật huyện xây dựng quy trình kỹ thuật, các mô hình trình diễn và cử cán bộ khuyến nông xuống các thôn bản hướng dẫn bà con chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất. Thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước, đã hỗ trợ kịp thời các loại giống cây trồng cho người dân.

Cũng là hộ đã thành công chuyển đổi hơn 3ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, năm 2013, ông Khoàng Văn Phánh, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé đã mua cây cam giống ở Ðiện Biên về trồng thử nghiệm mang lại hiệu quả. Khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé triển khai dự án hỗ trợ cây cam giống cho người dân, ông Phánh đã đăng ký 600 gốc. Ngoài được cán bộ huyện, xã hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc cây cam, ông còn chủ động học hỏi và tham khảo cách làm từ báo chí, ti vi. Nhiều năm qua, vườn cam đã cho thu hoạch 6 - 7 tạ mỗi vụ, từ đây gia đình ông đã trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn.

Anh Sùng A Chớ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Nhé cho biết: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngay từ đầu mỗi năm chúng tôi đều xuống các bản triển khai cho tất cả hội viên, bà con nông dân chính sách chuyển đổi, khuyến khích người dân đưa các loại giống cây trồng vào sản xuất. Ðồng thời chọn những hộ có diện tích đất để xây dựng mô hình triển khai nhân rộng, đặc biệt là những mô hình trồng cây cam, xoài, nhãn và cây dứa. Quá trình triển khai các mô hình cán bộ khuyến nông và hội nông dân xã thường xuyên xuống các bản kiểm tra các mô hình và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời.

Từ các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và những giải pháp tích cực, phù hợp của cấp ủy, chính quyền vào điều kiện thực tế của địa phương cùng với sự năng động, phát huy nội lực xây dựng cuộc sống mới của người dân. Ðến nay, nông dân xã Mường Nhé đã dần thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế gia đình, đã giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo qua từng năm. Ðây là tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người dân trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hoài Thứ (Huyện Mường Nhé)
Bình luận

Tin khác

Back To Top