Năm 2023, lạm phát trong tầm kiểm soát?

15:53 - Thứ Tư, 19/07/2023 Lượt xem: 4248 In bài viết

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng này được coi là thấp. Vì vậy, giới chuyên gia dự báo, kiểm soát lạm phát năm 2023 ở dưới mức 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội đề ra là có thể đạt được.

Người dân mua xăng tại một cửa hàng xăng dầu ở quận Đống Đa. Ảnh: Viết Thành

Chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2023 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến tháng 6-2023 so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm dần.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong bối cảnh giá cả, lạm phát thế giới ở mức cao thì tại thị trường trong nước, giá cả cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát theo đúng kịch bản. Nguyên nhân là từ đầu năm đến nay, thời tiết tương đối ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, rau, quả dồi dào, giá cả mặt hàng nông sản không có biến động lớn. Giá thịt lợn có xu hướng giảm trong 3 tháng đầu năm do sức tiêu thụ chậm dù đến tháng 5-2023 giá tăng nhẹ trở lại. Ngoài ra, do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu như xăng, dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen nhưng bình quân chung vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Giá vật liệu xây dựng có biến động tăng và chủ yếu tập trung vào đá, cát, trong khi thép tăng trong quý I-2023 và quay đầu giảm trong quý II-2023.

Việc quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá chung được thực hiện thận trọng ngay từ đầu năm… PGS.TS Phan Thế Công, Trưởng khoa Kinh tế (Đại học Thương mại) cho rằng, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023.

Ngoài yếu tố khách quan như giá xăng dầu, giá gas trong nước giảm theo giá thế giới, thì đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá (dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư) đã được Chính phủ điều hành thận trọng. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, được các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tỷ giá VND ổn định so với USD, bảo đảm ổn định vĩ mô là những yếu tố góp phần kiểm soát lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023.

Điều hành giá thận trọng, linh hoạt

Dự báo về lạm phát cả năm 2023, nhiều chuyên gia cho rằng có thể đạt được mục tiêu.

Người dân mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Hà Đông). Ảnh: Đỗ Tâm

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), CPI 6 tháng cuối năm và diễn biến cả năm sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như: Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng và tác động tích cực hơn tới kinh tế Việt Nam; cơ cấu mới của kinh tế thế giới đang dần hình thành và ổn định, không còn những cú sốc lớn xảy ra; giá xăng, dầu và các nhiên liệu khác sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, không có nhiều tác động tiêu cực tới CPI của Việt Nam; chính sách tài khóa và tiền tệ điều hành theo hướng nới lỏng để kích thích tăng trưởng sẽ tác động tới việc ổn định giá cả thị trường. Việc tăng lương từ ngày 1-7 sẽ là nhân tố tăng áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2023. Với một số những yếu tố trên, khả năng CPI bình quân cả năm 2023 sẽ biến động ở mức khoảng 2,5-3%.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhìn nhận, khả năng CPI cả năm cao nhất sẽ đạt ở mức 3,8-4% nếu giá xăng, dầu thế giới không có những đợt tăng mạnh. Tình hình sản xuất hàng hóa nhất là nông sản, thực phẩm ổn định. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp có tác động từ quý III-2023, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng được cải thiện… giúp giảm chi phí của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân. Ngoài ra, một số chi phí khác như giáo dục, y tế, nước sạch có thể tăng những ở mức độ hợp lý.

Còn chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đưa ra hai kịch bản: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,3-7% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3-3,5%; tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,7-7,3%, khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức 3,5-3,8%.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, lạm phát năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% chắc chắn sẽ hoàn thành.

Để kiểm soát lạm phát, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai quyết liệt biện pháp về quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thận trọng, linh hoạt, và thực hiện tốt công tác tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo những nguy cơ gây nên lạm phát trong nước, thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá mặt hàng Nhà nước quản lý; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; tiếp tục chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top