Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác khoáng sản

09:14 - Thứ Năm, 20/07/2023 Lượt xem: 4803 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên có trữ lượng tài nguyên khoáng sản khá phong phú, đặc biệt là vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường. Ðể tránh lãng phí nguồn tài nguyên, thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước, bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp đã siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại Hoàng Anh khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ xã Na Ư (huyện Ðiện Biên).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 loại khoáng sản đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác còn thời hạn, với 27 điểm mỏ. Trong đó: 23 giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường còn hiệu lực; 1 giấy phép khai thác chì kẽm; 1 giấy phép khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng và 2 giấy phép khai thác than.

Thời gian qua tỉnh đã ban hành các quy định, chỉ đạo hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trong đó yêu cầu rõ trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền cấp huyện, cấp xã, các tổ chức, đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tuân thủ, chấp hành đúng các quy định pháp luật về khoáng sản. Ðồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Ðến nay UBND tỉnh đã cấp 18 giấy phép khai thác khoáng sản đá làm VLXD thông thường với 18 điểm mỏ. Bên cạnh những đơn vị chấp hành tốt các quy định, thời gian qua chủ đầu tư của một số điểm mỏ tại các huyện: Ðiện Biên, Mường Chà, Tủa Chùa chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Các nội dung chưa được chú trọng thực hiện như: Ðầu tư xây dựng cơ bản tại các điểm mỏ; công tác đảm bảo an toàn lao động; việc tập kết khoáng sản của một số điểm mỏ ngoài phạm vi điểm mỏ được cấp phép; công tác đảm bảo môi trường tại các điểm khai thác mỏ; công tác cắm mốc, xác định phạm vi khai thác. Ðơn cử như điểm mỏ khai thác đá làm VLXD thông thường tại bản Sín Sủ (xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa) của Công ty TNHH Hoàng Ánh tỉnh Ðiện Biên đã được cấp phép khai thác từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay công tác đầu tư cơ bản tại điểm mỏ như: Ðường lên điểm khai thác; cơ sở hạ tầng tại khu vực khai thác… chưa được đơn vị thực hiện. Hàng ngày, công nhân là lao động địa phương phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm song không được trang bị đồ bảo hộ lao động theo đúng quy định. Bên cạnh đó, khoáng sản sau khai thác được đơn vị này chế biến và tập kết 2 bên tuyến đường huyết mạch từ trung tâm huyện đến các xã phía Nam, gây ảnh hưởng môi trường, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Công tác đảm bảo môi trường tại các điểm mỏ khai thác là một trong những nội dung được các cơ quan chức năng và cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm. Song song với việc đánh giá tác động môi trường; thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản… thì việc cải tạo, phục hồi môi trường tại các điểm mỏ đóng cửa cũng là một nội dung, quy định bắt buộc các đơn vị phải thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay mức ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường thấp (chỉ từ 1-3% tổng mức đầu tư) nên các tổ chức, doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện. Ví dụ điểm mỏ bản Pom Lót, xã Pom Lót và đội 18, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Dũng làm chủ đầu tư đã đóng cửa mỏ từ năm 2021. Tuy nhiên, đến nay việc cải tạo, phục hồi môi trường tại điểm mỏ vẫn chưa được chủ đầu tư triển khai thực hiện. Tại khu vực này vẫn còn nguyên hiện trạng sau khai thác, tạo thành vũng, hủm sâu gây nguy cơ sạt lở, xâm lấn vào đất trồng màu của người dân; ảnh hưởng đến dòng chảy sông Nậm Rốm. Tương tự, mỏ đá Mường Ảng 4 (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) do Công ty CP Cao nguyên Hà Giang đã bị thu hồi giấy phép khai thác sau nhiều lần để xảy ra mất an toàn khai thác. Song đến nay, việc cải tạo, phục hồi môi trường vẫn chưa được thực hiện. Tại cuộc giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND tỉnh) công tác quản lý Nhà nước về khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn huyện Mường Ảng, giai đoạn 2020 - 2022, báo cáo về vấn đề này, ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Sau khi điểm mỏ bị thu hồi giấy phép khai thác, chủ đầu tư di dời máy móc, phương tiện ra khỏi phạm vi điểm mỏ mà không thực hiện các phương án, giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường. UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, đánh giá và tổ chức phá dỡ những phiến, tảng đá nằm chênh vênh, có nguy cơ mất an toàn. Ðồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND xã Ẳng Nưa lồng ghép nguồn vốn hàng năm để tổ chức trồng cây dưới chân điểm mỏ nhằm cải tạo môi trường và phòng ngừa các sự cố đá lở, đá rơi.

Ngoài vấn đề bảo vệ môi trường, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như: Hoạt động khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trái phép của các hộ gia đình, cá nhân vẫn còn diễn ra tại các lòng sông, lòng suối trên địa bàn một số huyện; lực lượng cán bộ cấp huyện, cấp xã được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý Nhà nước về khoáng sản chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, do kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực (đất đai, môi trường, khoáng sản); chưa phối hợp tốt với các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Trong khi các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi (hoạt động ban đêm, các ngày nghỉ, ngày lễ), tập kết lán trại, khai thác tại nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn...

Ðể tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản; thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông lòng sông, suối để khai thác cát, khoáng sản trái phép. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng. Lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản. Tham mưu đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép theo quy định đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây mất an toàn lao động; gây tổn thất lớn khoáng sản; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tác động xấu đến cảnh quan môi trường, địa chất. Cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động khai thác khoảng sản gắn với bảo vệ môi trường đến từng địa bàn dân cư, các nhà máy, doanh nghiệp...

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top