Gia tăng giá trị nông sản: Cơ hội từ các thị trường lân cận

10:34 - Thứ Năm, 20/07/2023 Lượt xem: 4357 In bài viết

Trong khi xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu sụt giảm trong 6 tháng đầu năm và chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực thì xuất khẩu sang các thị trường lân cận của Việt Nam vẫn gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào các thị trường lớn đang gặp khó khăn do các quốc gia thực hiện việc thắt chặt chi tiêu. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Gỡ khó tại các thị trường lớn

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, nhiều thị trường lớn đang nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đều có sự sụt giảm trong 6 tháng đầu năm.

Mức sụt giảm lớn nhất là tại thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có cà phê tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm, đạt 145,2 triệu USD, tăng 16%, còn lại 9 mặt hàng đều giảm. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ dự báo yếu đi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 do việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ước đạt 1,1% vào năm 2023.

Tại thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 2,1 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ. EU đối mặt với khủng hoảng năng lượng và cơn sốt giá thực phẩm dẫn đến suy thoái kinh tế, cắt giảm chi tiêu thực phẩm tại nhiều quốc gia. Đặc biệt xu hướng này cũng xảy ra tại những nước "đầu tàu", trong đó có Đức. 

Tại thị trường Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 3 mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường này gồm gỗ, thủy sản và cà phê đều giảm giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm.

Đứng trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận cần có những đối sách cụ thể riêng cho từng thị trường.

Đối với thị trường Nhật Bản, dù kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này sụt giảm so với năm 2022 song với những chính sách khuyến khích tiêu dùng của Chính phủ Nhật Bản cùng nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân Nhật Bản thì đây vẫn là thị trường tiềm năng.

Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm trái cây bên lề các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản vào tháng 12/2023 tại Tokyo.

Còn đối với thị trường Hoa Kỳ, Bộ NN&PTNT đã thông qua các tham tán nông nghiệp, tham tán thương mại để xác định một số bang lớn có nhu cầu nhập khẩu nông sản Việt Nam, từ đó xúc tiến ký kết các chương trình thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Cùng với đó, thông qua các hiệp hội của Hoa Kỳ, Bộ NN&PTNT cũng sẽ  tìm kiếm các tiểu bang nhập khẩu nhiều nông sản Việt để tổ chức làm việc, trao đổi, kết nối xúc tiến sản phẩm nông sản vào thị trường này.

Tín hiệu tích cực từ thị trường lân cận

Trong khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn có những khởi sắc rõ nét, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc và khu vực ASEAN.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường ASEAN tăng trưởng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Điển hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Indonesia tăng trưởng vượt bậc (300,3%) nhờ mặt hàng gạo, cà phê…

Tại thị trường Trung Quốc nửa đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng tăng trưởng khá  ở mức 7,7%, với những mặt hàng tăng mạnh về giá trị là rau quả, gạo, hạt điều và chè.

Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ, một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn có thể duy trì tăng trưởng. Các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm.

Để khai thác mạnh mẽ hơn nữa những thị trường đang có tăng trưởng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã có những hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể và hiệu quả.

Trong thời gian tới, đối với thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) đẩy nhanh trao đổi với tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hoàn tất bản ghi nhớ và xúc tiến nghị định về xuất khẩu nông sản ở cấp địa phương.

Bên cạnh đó, xúc tiến trao đổi với phía tỉnh Quảng Tây về thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Quảng Tây - Việt Nam, Hiệp hội logistics nông sản Việt Nam - Quảng Tây nhằm khắc phục các hạn chế, tháo gỡ các khó khăn trong vấn đề xuất khẩu nông sản sang phía bạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc.

Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội chú ý về vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các khu vực cảng, tàu cá, kho bãi.

Mới đây trong cuộc họp với các hiệp hội ngành hàng về nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các hiệp hội ngành hàng giữ kết nối chặt chẽ với Bộ, có tư duy "đi cùng nhau".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Trong bối cảnh khó khăn vừa qua, ngành nông nghiệp vẫn đón tin vui từ xuất khẩu gạo, cà phê và rau quả 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, ngành hàng gỗ, thủy sản còn nhiều trở ngại và ngành chăn nuôi chưa bứt phá. Vì vậy, ngành nào đang có lợi thế tiếp tục củng cố và phát triển vì một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Bộ đã xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải tại ĐBSCL, đề án logistics, đây sẽ là xương sống cho phát triển thị trường và các doanh nghiệp cũng cần tham gia cùng với Bộ và các địa phương, trước hết là chia sẻ thông tin, tiếp đến là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu".

Theo baochinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top