Linh hoạt chính sách tiền tệ để thúc đẩy phục hồi kinh tế nửa cuối năm

14:44 - Thứ Sáu, 21/07/2023 Lượt xem: 4503 In bài viết

Tỷ giá ổn định, lãi suất liên ngân hàng với đồng Việt Nam giảm mạnh cho thấy thanh khoản hệ thống dồi dào, nhưng các cơ quan quản lý - điều hành chính sách tiền tệ vẫn cần cẩn trọng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro bất định.

Cảng Nam Hải - Đình Vũ (Hải Phòng).

Ổn định giữa bối cảnh bất định

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho biết thị trường tiền tệ đã hoạt động ổn định trong nửa đầu năm 2023 với tỷ giá giữa USD/VND trên thị trường liên ngân hàng và tỷ giá trung tâm tại thời điểm cuối tháng 6/2023 lần lượt giảm 0,3% và tăng 0,7% so cuối năm 2022.

Nguyên nhân xuất phát từ đồng USD trên thị trường quốc tế tại thời điểm cuối tháng 6/2023 giảm 0,34% so cuối năm 2022, nhu cầu thanh toán ngoại tệ ở mức thấp trong bối cảnh hoạt động nhập khẩu sụt giảm mạnh, du lịch quốc tế phục hồi, dự trữ ngoại hối tăng lên khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng mua USD.

Với thị trường ngoại hối, PGS, TS, Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, nhận định một trong những điểm sáng góp phần ổn định thị trường này là dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng tăng những năm qua.

Cụ thể, dòng kiều hối bình quân vào Việt Nam hàng năm đạt hơn 10 tỷ USD giai đoạn 2010–2022, tương ứng khoảng 4% GDP mỗi năm.

Tính riêng quý 1/2023, chuyển giao vãng lai (thu nhập thứ cấp - PV) (thu) đã đạt 3,642 tỷ USD, tăng 14% so với quý liền trước và tăng 12,76% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này, theo các chuyên gia, tới từ những chỉ đạo sát với tình hình quốc tế và trong nước thời gian qua của Chính phủ.

“Điều kiện quốc tế và trong nước trong 2 năm qua có rất nhiều biến động và nhiều yếu tố gọi là ‘đa khủng hoảng’ xảy ra. Chúng ta đã có những điều chỉnh về mặt chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng phù hợp với bối cảnh, với thời điểm và mức độ”, TS Cấn Văn Lực nói.

Cũng theo ông Lực, lạm phát tại các nền kinh tế lớn ở mức cao trong giai đoạn 3 quý đầu năm 2022, nên chính sách tiền tệ của Việt Nam là chặt chẽ. Cuối năm 2022, lạm phát của Việt Nam cơ bản được kiểm soát tốt và lạm phát toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thì chuyển sang trạng thái chắc chắn và thực hiện được đa mục tiêu. Còn ở thời điểm hiện nay, Chính phủ quyết định chuyển sang trạng thái linh hoạt, nới lỏng.

Với bối cảnh trên, chuyên gia này cho rằng cần thay đổi chính sách tiền tệ phù hợp hơn với mục tiêu phục hồi nền kinh tế, vốn chịu tác động rất lớn từ những yếu tố đặc biệt bên ngoài và những yếu tố nội tại đã tồn tại từ lâu.

“Chúng ta nới lỏng nhưng linh hoạt, tức là vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định được kinh tế vĩ mô”, ông Lực nói.

Tiềm ẩn rủi ro tỷ giá

Trải qua giai đoạn bình lặng, thị trường tiền tệ đã xuất hiện diễn biến mới khi tỷ giá USD/VND bất ngờ "nổi sóng" trong nửa cuối tháng 6 và đầu tháng 7, sau Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất điều hành lần thứ tư.

Cụ thể, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 6/7 là 23.828 đồng/USD, tăng 201 đồng so với thời điểm đầu năm.

Dù nhanh chóng “hạ nhiệt” những ngày sau đó, với tỷ giá trung tâm ngày 20/7 được công bố ở mức 23.731 đồng/USD - giảm đáng kể so với ngày 6/7, nhưng vẫn cao hơn 104 đồng so với thời điểm đầu năm.

Lý giải nguyên nhân, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, diễn biến tăng trở lại của tỷ giá USD/VND những ngày gần đây chủ yếu do diễn biến tăng trở lại của chỉ số DXY (chỉ số đo sức mạnh đồng USD) có diễn biến tăng trước thông tin Ngân hàng Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể tiếp tục nâng lãi suất thêm 2 lần trong các cuộc họp tiếp theo.

Còn ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán SSI, cho rằng tỷ giá đã chịu không ít áp lực và đồng nội tệ có một số dấu hiệu trượt giá sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành, trong khi các Ngân hàng Trung ương khác vẫn chưa dừng thắt chặt tiền tệ.

Cụ thể, Ngân hàng dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã giữ nguyên lãi suất trong khoảng 5-5,25% tại cuộc họp kết thúc ngày 14-6, sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp.

Ngoài ra, dựa trên dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 ở mức 1%, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,1% vào cuối năm, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của FED - ở mức 3,9% vào cuối năm, nhiều ý kiến đã dự báo tổ chức này sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp vào ngày 26/7. Số liệu khảo sát của CME FedWatch cho thấy tỷ lệ các nhà giao dịch dự đoán FED sẽ tăng lãi suất là 86,8%, trong khi tỷ lệ dự báo FED không tăng lãi suất là 13,2%.

Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 4% vào ngày 15/6, ghi nhận lần tăng lãi suất lần thứ tám liên tiếp kể tháng 7/2022 để chống lại lạm phát cao.

Bên cạnh tỷ giá trung tâm, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh ở hầu hết các kỳ hạn ngắn trong tuần từ ngày 10/7 tới 14/7. Ngược lại, lãi suất USD ghi nhận sự gia tăng.

Cụ thể, chốt phiên ngày 14/7, lãi suất VND liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm là 0,2% - giảm 0,28%; 1 tuần là 0,4% - giảm 0,42%; 2 tuần là 0,64% giảm 0,66 %; 1 tháng là 2,24% - giảm 0,61%. Còn lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm là 4,87% - tăng 0,03%; 1 tuần là 4,91% - tăng 0,01%; 2 tuần là 5% - không thay đổi; 1 tháng là 5,2% tăng 0,01%.

Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND tại các kỳ hạn chủ chốt trên thị trường liên ngân hàng trong tuần tiếp tục cao hơn tuần trước đó, mức chênh lệch cao nhất là 4,67% với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 1,18% với lãi suất kỳ hạn 3 tháng.

Việc chênh lệch lãi suất nới rộng khiến các chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lo ngại sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade - PV) và tạo áp lực mất giá tiền đồng.

Còn các chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI cho rằng áp lực với tỷ giá tăng dần khi Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của mình với các Ngân hàng Trung ương lớn khác. Theo đó, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND hiện ở mức khá cao và tạo áp lực rút vốn ra khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó, giai đoạn này VND còn phải chịu áp lực mang tính thời vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI

Dự báo triển vọng tỷ giá 3 đến 6 tháng tới, VDSC cho rằng có một số yếu tố làm tăng áp lực mất giá VND.

Thứ nhất, báo cáo triển vọng nửa cuối năm của đa số các tổ chức tài chính đều cho rằng triển vọng USD nửa cuối năm 2023 là tích cực. Kỳ vọng chung là đồng tiền này sẽ neo ở mức cao nhờ lãi suất hấp dẫn và vai trò nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới lao đao.

Thứ hai, đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã mất giá khoảng 5,2% trong nửa đầu năm 2023, mức đáng kể so với mức mất giá khoảng 8,5% cả năm 2022. Sự phục hồi tăng trưởng sau mở cửa của Trung Quốc không như kỳ vọng và chính sách nới lỏng tiền tệ tiếp diễn trong nửa sau của năm 2023 đưa đến kỳ vọng CNY sẽ còn mất giá thêm trong năm 2023.

Với mức tương quan mạnh giữa VND và CNY, VDSC cho rằng diễn biến “đứng yên” nửa đầu năm khó có thể duy trì được lâu.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành khá quyết liệt trong nửa đầu năm 2023, đứng về mục tiêu tăng trưởng và hạ bớt “tấm khiên” ổn định tỷ giá.

“Tăng trưởng kinh tế chưa cải thiện nhiều trong quý 3 cũng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước cân đối giảm tiếp lãi suất điều hành”, VDSC cho biết.

Với những yếu tố trên, đơn vị này cho rằng mức xem xét tiếp theo với tỷ giá USD/VND là 24.500 đồng. Thậm chí, tỷ giá có thể tăng vượt mức này nếu USD tăng tốc mạnh, nhưng áp lực có thể không mạnh bằng năm trước do năm nay Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát trong xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối đang được tích lũy trở lại.

Còn SSI dự báo VND có thể biến động mạnh trong quý 3 do sự phân kỳ chính sách tiền tệ có thể đạt đỉnh trước viễn cảnh FED có thể tăng lãi suất hai lần trong một quý. Điều này khiến Ngân hàng Nhà nước có thể phải thực hiện một số biện pháp can thiệp như bán ngoại tệ từ dữ trữ ngoại hối và thực hiện phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở trong ngắn hạn.

Thực tế, yếu tố tỷ giá tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia xuất khẩu khác xét trên góc độ tỷ giá.

“VND ổn định, gần như không giảm giá so với USD, trong khi các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu”, ông Trường chia sẻ.

Về lãi suất, ông Trường cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu áp lực lãi suất cho vay của ngân hàng cao hơn nhiều so với các quốc gia cạnh tranh.

Phối hợp chính sách để “tăng tốc” phục hồi kinh tế

Chính sách tài khóa, với mục tiêu phục hồi tổng cầu (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng - PV), được đánh giá là “chìa khóa” giúp giải bài toán phục hồi kinh tế nửa cuối năm 2023.

Tuy nhiên, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa - tiền tệ - an sinh xã hội, cùng sự tinh thần làm việc quyết liệt của các bộ, ngành quản lý mới có thể giúp nền kinh tế thực sự hồi phục và phát triển thời gian tới.

TS Cấn Văn Lực cho biết Chính phủ đã đưa ra thông điệp về việc cố gắng hạ mặt bằng giảm lãi suất 1,5-2% cho đến cuối năm, nhưng đây chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, không thể hạ mặt bằng lãi suất quá nhiều và quá nhanh, để tránh tình trạng dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh chứng khoán.

Thủ tướng và Chính phủ đã đưa ra thông điệp về việc cố gắng hạ mặt bằng giảm lãi suất 1,5-2% cho đến cuối năm, nhưng đây chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, không thể hạ mặt bằng lãi suất quá nhiều và quá nhanh, để tránh tình trạng dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh chứng khoán.

TS Cấn Văn Lực

Như vậy, giữ mặt bằng lãi suất ở mức độ nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, giúp ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào sản xuất - kinh doanh, thay vì chỉ đầu tư tài chính và bất động sản.

“Phải đồng bộ chính sách như vậy thì mới đảm bảo mức độ thẩm thấu, việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả”, ông Lực nói và kiến nghị ưu tiên giải quyết vấn đề trì trệ của bộ máy công - viên chức, nhằm nhanh chóng tháo gỡ các vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, phải khơi thông những kênh dẫn vốn khác, nhất là kênh trái phiếu doanh nghiệp, nhằm đảm bảo dòng vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng lãi suất không phải “chìa khóa vạn năng”, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn qua các gói hỗ trợ tín dụng mà không ảnh hưởng lớn đến tổng cung tiền, hướng đến các lĩnh vực như nhà ở xã hội, lâm-thủy sản.

Lãi suất không phải “chìa khóa vạn năng”, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu.

TS Võ Trí Thành,

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường mong muốn việc điều hành vĩ mô, nhất là tỷ giá, cần tính toán đầy đủ ảnh hưởng của việc suy giảm xuất khẩu. “Các chi phí sẽ phải bỏ ra khi xuất khẩu giảm như chi phí cho lao động mất việc làm, các vấn đề xã hội, mất khách hàng mà chi phí phục hồi sẽ rất lớn”, ông Trường nói.

Chủ tịch Vinatex cũng đề xuất Chính phủ cần tập trung vào các chính sách hỗ trợ có tác động trực tiếp với doanh nghiệp như giảm thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, giữ nguyên nhóm nợ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết lãi suất điều hành liên tục được điều chỉnh giảm, nhưng vẫn rất khó vay được vốn rẻ. Ngoài ra, thị trường trong nước và xuất khẩu với một số ngành hàng có xu hướng thu hẹp.

“Rõ ràng trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh cầm chừng với mức độ chiếm tỷ trọng tương đối so với nhiều năm ở mức độ trung bình thấp, hoặc là thấp thì rõ ràng nhu cầu vay vốn, khả năng vay vốn chắc chắn phải rất cân nhắc”, ông Tuấn nói và cho rằng dòng vốn nên tập trung vào những ngành hàng có tiềm năng hoặc đang tăng trưởng tốt.

Cũng theo chuyên gia này, những ngành hàng có tiềm năng cần chủ động kết nối, xây dựng chương trình hợp tác riêng với các ngân hàng, hoặc tìm kiếm các nguồn vốn phù hợp.

“Các ngành hàng tiềm năng, không chỉ là nông lâm thủy sản, hoàn toàn có thể đề nghị hợp tác với Ngân hàng Nhà nước, hoặc đề nghị Chính phủ có những chương trình, gói tín dụng riêng dành cho ngành hàng của mình. Đấy là điều hoàn toàn có thể thực hiện trong thời gian tới”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Các ngành hàng tiềm năng, không chỉ là nông lâm thủy sản, hoàn toàn có thể đề nghị hợp tác với Ngân hàng Nhà nước, hoặc đề nghị Chính phủ có những chương trình, gói tín dụng riêng dành cho ngành hàng của mình. Đấy là điều hoàn toàn có thể thực hiện trong thời gian tới.

Ông Đậu Anh Tuấn,

Phó tổng thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Bổ sung, ông Cấn Văn Lực cho rằng tín dụng bắt buộc phải tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp đó là 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế, gồm: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

“Những gì đang xuất khẩu tốt, cần vốn thì phải bơm vốn ngay. Có gói 15.000 tỷ đồng với lâm - thủy sản là như vậy. Với gạo và cà-phê, nếu xuất khẩu tốt, cần tiền thì sẵn sàng có những gói tín dụng mới”, ông Lực kiến nghị.

Với lĩnh vực đầu tư xây dựng và tiêu dùng, chuyên gia này cho biết Chính phủ đã có thông điệp kích cầu và gói tín dụng ưu tiên, giờ cần tổ chức thực hiện thật tốt.

Kiến nghị của hai chuyên gia trên được đưa ra trong bối cảnh cung tiền M2 ở mức 2,7% tính tới 30/6/2023, thấp hơn mức 3,8% cùng kỳ năm 2022 và mức 7% cùng kỳ năm 2019, cho thấy mức cung tiền ra nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top