Kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất

09:07 - Thứ Hai, 24/07/2023 Lượt xem: 5044 In bài viết

ĐBP - Nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, thời gian qua, huyện Mường Chà đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương, thủy lợi. Các công trình sau khi được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, bàn giao, đưa vào sử dụng cơ bản hoạt động có hiệu quả, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới, giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Bờ kè kênh thủy lợi ở xã Ma Thì Hồ được gia cố nhằm tránh bị ảnh hưởng mùa mưa lũ.

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Mường Chà được đầu tư, xây dựng trên 70 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho gần 1.500ha lúa ruộng. Hàng  năm, để đảm bảo sản xuất đúng thời vụ, chống hạn và tăng năng suất cho cây trồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, các xã quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá chi tiết, cân đối khả năng nguồn nước của từng công trình so với nhu cầu dùng nước của các hộ nông dân, xây dựng kế hoạch tưới cụ thể đến từng vùng, nhất là ở những xã có điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, bảo dưỡng, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi.

Là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp rộng nên thời gian qua, cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng kỹ thuật, đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng vào sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Nèn đã chủ động, phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống các công trình thủy lợi để có kế hoạch tu sửa, bảo dưỡng. Năm 2022, do ảnh hưởng của mưa lũ khiến công trình thủy lợi Phiêng Ðất B bị vùi lấp, đứt gãy nhiều vị trí. Xã đã báo cáo với cơ quan chức năng đề xuất sửa chữa, khắc phục. Ðến nay, công trình đã hoạt động trở lại bình thường, phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho cánh đồng trên địa bàn. Ông Lò Văn Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Nậm Nèn cho biết: Ðể đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, canh tác của nhân dân, xã thường xuyên cử cán bộ xuống trực tiếp kiểm tra thực tế hệ thống dẫn nước; đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân làm tốt công tác quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi; thăm đồng, khắc phục kịp thời những vị trí kênh, mương yếu kém.

Cách đây vài năm, Pa Ham là một trong những xã khó khăn của huyện. Song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ mặt kinh tế - xã hội nơi đây đã có những bước phát triển vượt bậc. Hiện nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Ông Màng Văn Nơm, Chủ tịch UBND xã Pa Ham chia sẻ: Với đặc thù của xã vùng cao, xã luôn khuyến khích người dân phải coi sản xuất nông nghiệp là hướng đi chủ đạo trong phát triển kinh tế. Bởi vậy, với diện tích gần 300ha lúa hè thu năm nay, chính quyền xã đang quan tâm đến vấn đề nước tưới tiêu. Công tác quản lý, bảo vệ các kênh mương thủy lợi luôn được xã đặc biệt quan tâm. Căn cứ tình hình thực tiễn, xã cũng đề xuất cơ quan chức năng cân đối nguồn vốn, tiếp tục đầu tư xây mới, hoặc nâng cấp, sửa chữa một số công trình thủy lợi trên địa bàn để việc sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi là nhiệm vụ rất quan trọng trong sản xuất. Do vậy, ngoài các công trình thủy lợi đã được đầu tư, hiện nay, cơ quan chức năng huyện Mường Chà đang tiếp tục rà soát, lập danh sách xin chủ trương đầu tư mới một số công trình; đồng thời nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi đã xuống cấp. Ông Trần Ðức Cương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, qua khảo sát, mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, song do đặc thù vùng cao, địa bàn rộng, dân cư sinh sống không đồng đều nên nhu cầu xây mới, sửa chữa để đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho tất cả diện tích đất nông nghiệp là rất khó. Chính vì thế, ở những vùng thường xuyên gặp hạn, huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã chủ động rà soát và có kế hoạch chuyển diện tích trồng lúa sang trồng màu (đậu tương, lạc, chuối...) sử dụng ít nước; áp dụng hình thức tưới luân phiên, vùng xa tưới trước, vùng gần tưới sau nhằm tránh lãng phí nước, gây ngập úng tại vùng đầu kênh, khô hạn vùng cuối kênh, không tưới tràn nhằm sử dụng lượng nước tưới hợp lý...

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top