Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước

09:03 - Thứ Bảy, 29/07/2023 Lượt xem: 4629 In bài viết

ĐBP - Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước là rào cản trong công tác xóa đói, giảm nghèo, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát huy tinh thần tự lực, chủ động sản xuất, đồng thời triển khai hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, phấn đấu thoát nghèo.

Cán bộ huyện Ðiện Biên Ðông kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả tại xã Pú Hồng.

Pú Hồng là xã vùng cao, khó khăn của huyện Ðiện Biên Ðông; tỷ lệ hộ nghèo trên 60,8%. Trước đây, việc trông chờ, ỷ lại Nhà nước hỗ trợ đã ăn sâu từ trong tư tưởng đến hành động của người dân. Tuy nhiên, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động đồng thời triển khai hiệu quả các mô hình, chương trình, dự án về phát triển sản xuất, người dân đã từng bước nắm bắt khoa học kỹ thuật, chủ động hơn trong sản xuất, canh tác.

Hiện nay, xã Pú Hồng có hơn 20ha cà phê, tập trung tại 2 bản: Chả B, C. Trong đó, gần 2ha đã cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Bà Vì Thị Doan, Chủ tịch UBND xã Pú Hồng cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương từ trồng lúa nương, ngô sang trồng cà phê hoàn toàn do người dân chủ động. Sau nhiều năm canh tác các loại cây trồng truyền thống, một số hộ dân nhận thấy đất đai đã bạc màu, năng suất, sản lượng thấp nên đã học hỏi các hộ trồng cà phê ở huyện Mường Ảng và Sông Mã (tỉnh Sơn La) về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê rồi mua giống về trồng. Hiện nay, 100% diện tích cây cà phê phát triển tốt, trong đó có gần 2ha đã cho thu hoạch. Hiện nay, có thêm nhiều hộ dân trên địa bàn chuyển đổi cây trồng trên nương sang trồng cây mắc ca và cây quế. Ðến nay, toàn xã đã có 7ha mắc ca và hơn 10ha cây quế.

Bà Vì Thị Thởi, bản Chả B cho biết: Từ năm 2018, nhận thấy canh tác lúa nương hiệu quả kinh tế thấp, tôi đã đến các xã huyện Sông Mã và ra huyện Mường Ảng để học cách trồng cây cà phê và mua giống về trồng. Ðến nay, toàn bộ diện tích gần 2ha cà phê đã cho thu hoạch. Sản phẩm cà phê bán cho các cơ sở chế biến tại huyện Mường Ảng. Năm 2022, gia đình tôi đã có thu nhập trên 70 triệu đồng từ cây cà phê.

Tương tự, tại xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) người dân đã và đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập. Năm 2020 có 11 hộ dân thuộc 4 bản: Huổi Toóng 1, 2; Trung Dình và Ma Lù Thàng chuyển đổi đất nương bỏ hoang và kém hiệu quả sang trồng quế. Sau 2 năm cây quế bén rễ ở Huổi Lèng, đến năm 2022 xã Huổi Lèng được UBND huyện Mường Chà quy hoạch, phát triển vùng trồng quế tập trung của huyện. UBND huyện Mường Chà đã tổ chức đoàn tham quan, khảo sát mô hình trồng quế tại tỉnh Yên Bái. Sau đó, bằng các nguồn vốn bảo vệ và phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện Mường Chà tổ chức hỗ trợ người dân chuyển đổi trồng quế trên nương. Năm 2022, toàn huyện đã trồng được 82,01ha; trong đó, riêng xã Huổi Lèng trồng được 23,23ha, nâng tổng diện tích trồng quế của xã lên 34,23ha, tập trung tại các bản: Huổi Toóng 1, 2 và Trung Dình.

Ông Giàng A Sang, người dân bản Huổi Tóng, xã Huổi Lèng cho biết: Trồng lúa nương, ngô hay bị mất mùa, hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, tôi đã nung nấu ý định chuyển sang trồng loại cây khác từ năm 2017. Năm 2018, tôi đi thăm người thân ở Yên Bái - địa phương phát triển cây quế lớn ở khu vực Tây Bắc. Tôi đã tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sau đó về khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Huổi Lèng. Mọi thông số kỹ thuật đều phù hợp, năm 2020 tôi đã mua cây giống ở Yên Bái về trồng 2ha quế trên những diện tích nương bỏ hoang và kém hiệu quả. Ðến nay, cây quế sinh trưởng và phát triển tốt, cây đã cao hơn đầu người.

Cùng với những mô hình tự phát của người dân, thời gian qua chính quyền cấp huyện đã triển khai, thực hiện nhiều nghị quyết xóa đói, giảm nghèo của cấp ủy các cấp, mang lại hiệu quả cao trong việc xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của người dân, như: Ðiện Biên Ðông thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; Mường Ảng thực hiện Nghị quyết Ðảng bộ huyện về phát triển cây ăn quả chất lượng cao theo hướng liên kết chuỗi; các huyện triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030... Qua đó đã giúp bà con các dân tộc, nhất là khu vực vùng cao, biên giới hiểu rõ hơn về sự chủ động vươn lên kết hợp với các chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước trong sản xuất, xóa đói nghèo.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top