Chủ động kiểm soát, xử lý nợ xấu

10:12 - Thứ Hai, 31/07/2023 Lượt xem: 5241 In bài viết

ĐBP - Do tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng nên nợ xấu các năm “hậu Covid-19” có xu hướng tăng so với trước năm 2020. Ðể kiểm soát, hạn chế tình trạng nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ những giải pháp xử lý, hạn chế nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng, giúp các ngân hàng tăng sức “đề kháng”, vượt qua khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Cán bộ Phòng giao dịch Agribank huyện Mường Nhé hướng dẫn người dân thủ tục vay vốn. Ảnh: C.T.V

Tình hình nợ xấu của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến trước thời điểm dịch Covid-19 luôn duy trì ở mức an toàn, dưới 3% trên tổng dư nợ (tính đến thời điểm 31/12/2019 là 153 tỷ đồng, chiếm 0,83%/tổng dư nợ). Tuy nhiên, do tác động của đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu nhập của người dân, doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng gặp không ít khó khăn khi quy mô dư nợ giảm, nợ xấu các năm về sau có xu hướng tăng. Tính đến hết tháng 6/2023, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh là 374 tỷ đồng, chiếm 1,84%/tổng dư nợ. Trong đó nợ xấu tập trung một số ngành kinh tế, lĩnh vực: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt; thương mại bán buôn, bán lẻ; xây dựng; các hoạt động cho vay tiêu dùng; sửa chữa, cải tạo nhà ở…

Theo ông Phạm Mạnh Kiên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên, từ năm 2020 đến nay tình hình nợ xấu tăng chủ yếu do khách hàng bị ảnh hưởng, tác động bởi kinh tế trong nước khó khăn, thiên tai, dịch bệnh (đặc biệt là dịch Covid-19) không bán được sản phẩm, tồn kho lớn, sụt giảm về nguồn thu nhập, một số dự án chậm tiến độ... nên khách hàng chưa thực hiện đúng kỳ hạn trả nợ cho các tổ chức tín dụng. Một số khoản vay chưa vượt qua thời gian thử thách 3 tháng do đó dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng. Cùng với đó, một số khoản nợ do người vay chết, chuyển khỏi địa bàn, người vay đi tù người thừa kế không có khả năng trả nợ. Tình trạng hộ vay bỏ đi khỏi địa bàn vẫn còn, khó kiểm soát, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro vốn tín dụng cao tại một số huyện nghèo như: Mường Nhé, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông, Nậm Pồ.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đã chủ động bám sát các chỉ đạo, điều hành từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, hạn chế nợ xấu phát sinh. Trong đó triển khai kịp thời chính sách cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch giúp các doanh nghiệp, người dân vay vốn không bị chuyển nợ xấu và được miễn, giảm lãi, phí đối với những khoản nợ đến hạn chưa trả được nợ do ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời được cho vay mới với lãi suất thấp để phục hồi sản xuất kinh doanh. Kịp thời chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn triển khai các chương trình ưu đãi hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn nhằm kiểm soát nợ xấu tăng cao. Các ngân hàng trên địa bàn cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán... để hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và đẩy mạnh thu hồi, xử lý nợ xấu; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh tốt.

Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tăng cường công tác thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; việc chấp hành các quy định pháp luật về cơ cấu nợ, phân loại nợ, chất lượng tín dụng. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng; đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ ngân hàng số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt...

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, việc xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả quan trọng. Các tổ chức tín dụng tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý, áp dụng các chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42/2007/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tổng nợ xấu được xử lý tính đến hết quý II/2023 là hơn 1.273 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng trả nợ 1.070 tỷ đồng; xử lý nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 gần 87 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã bán cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt gần 115 tỷ đồng; bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ 1,45 tỷ đồng và hình thức khác là 0,38 tỷ đồng.

Cũng theo ông Phạm Mạnh Kiên, để kiểm soát, hạn chế nợ xấu, thời gian tới Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ðiện Biên tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng; việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động cấp tín dụng, tình hình cơ cấu nợ, phân loại nợ, chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản; chủ động rà soát, đánh giá, nhận diện kịp thời rủi ro. Ðồng thời, tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo đúng quy định. Chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay; tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất - kinh doanh nhưng không hạ chuẩn cho vay. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top