Kiến tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp

15:27 - Thứ Ba, 01/08/2023 Lượt xem: 4133 In bài viết

Những bất ổn của thế giới đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, khiến bức tranh kinh tế nước ta bảy tháng qua vẫn mang gam màu xám. Vì vậy, trước những khó khăn hiện nay, Nhà nước cần ưu tiên tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh; tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực nhằm tạo không gian phát triển mới.

Công nhân Công ty cổ phần Daikin Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên) lắp ráp máy điều hòa. Ảnh: Đức Anh

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chỉ doanh nghiệp mới biết mình cần gì nhất và phải xác định được các thách thức, cơ hội để tìm ra giải pháp giúp phát triển bền vững, thành công.

Cải cách thể chế là điều kiện tiên quyết

Theo số liệu vừa công bố về tình hình kinh tế-xã hội bảy tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 291 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm; vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng khoảng 2% so cùng kỳ.

Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5%, nhưng chỉ thực hiện ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so cùng kỳ. Mặc dù Việt Nam vẫn duy trì thặng dư thương mại xuất siêu 15,23 tỷ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so cùng kỳ, lần lượt giảm 10,6% và 17,1%.

Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp cũng không mấy khả quan khi cả nước ghi nhận có khoảng 113,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,8% so với cùng kỳ (trung bình mỗi tháng có 16.200 doanh nghiệp rút khỏi thị trường) trong tổng số 131.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường, giảm 1,4% so cùng kỳ.

Đặc biệt, GDP cả nước trong sáu tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua và chỉ cao hơn 1,74% so cùng kỳ của năm 2020 (năm chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19).

Từ những thống kê nêu trên, nhìn ở góc độ lạc quan vẫn thấy tăng trưởng kinh tế hồi phục nhẹ, nhưng các chỉ số đều ở mức thấp so với điều kiện bình thường, nhất là số doanh nghiệp Việt Nam rút lui khỏi thị trường tăng lên, trong khi đó tốc độ doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm đi.

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn hai năm 2022-2023 đã qua hơn 1,5 năm, nhưng số tiền đã giải ngân và tốc độ giải ngân còn khá “ì ạch”, chưa tạo được sự hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, hiện nay thị trường bất động sản đang chững lại khi số dự án triển khai trong năm 2023 giảm cả về số lượng và quy mô, điều này đã kéo theo các ngành kinh tế liên quan như vật liệu xây dựng đều gặp khó khăn.

Nguyên nhân của tình trạng này là do những vướng mắc từ pháp lý đến nay chưa được giải quyết triệt để, cũng như sự thiếu đồng bộ, chồng chéo, xung đột của hệ thống văn bản pháp luật.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Quốc hội vừa qua đã thông qua một luật để sửa tám luật. Đây được xem là một bước tiến rất lớn, tuy nhiên khi nhìn nhận trên thực tế, hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.

Những sửa đổi trước đó dường như là chưa đủ, do đó, cần tiếp tục công tác rà soát, sửa đổi thể chế để đưa ra những đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách. Luật pháp là cái nôi, là khung khổ, xương sườn của nền kinh tế, của quốc gia, nếu có sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình vận hành chắc chắn sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp,...

Vì vậy, TS Minh cho rằng, cải cách thể chế là điều kiện tiên quyết và Nhà nước cần có những chính sách mang tính căn cơ, lâu dài để giải quyết. Bởi nếu không có thể chế tốt, cơ chế vận hành thể chế tốt thì khó vận hành hiệu quả nền kinh tế thị trường.

Song bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp cần tham gia sâu hơn nữa trong việc xây dựng chính sách, phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật,... Việc xử lý ổn thỏa câu chuyện vướng mắc, bất cập của chính sách hiện nay sẽ là hành lang pháp lý ổn định để doanh nghiệp, nền kinh tế phát triển.

Tiếp tục cắt giảm chi phí, thủ tục hành chính

Có thể nói, hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn toàn diện và đây đều là những khó khăn chung với tất cả nhóm ngành và không riêng doanh nghiệp nào. Thế nhưng, những vấn đề về chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính còn rườm rà dù đã được “chỉ mặt, điểm tên” nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). Ảnh: Trần Quốc

Hoặc có rất nhiều doanh nghiệp phản ánh bị ách tắc, phiền hà bởi thủ tục hành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện, nhiều thủ tục phát sinh một cách tự phát, thậm chí một số sở, ngành, địa phương cũng đưa ra những quy định cho các doanh nghiệp phải thực hiện. Những vướng mắc này làm không ít nhà đầu tư trong nước và nước ngoài e ngại.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh đề xuất, cần có thêm những giải pháp cụ thể về miễn giảm, giãn, hoãn một số loại thuế phí, nới lỏng chính sách tài khóa, kích cầu tiêu dùng mạnh hơn nữa để tạo tâm lý cho thị trường.

Trong đó, tăng thời hạn thêm cho các khoản vay đến hạn, hỗ trợ lãi suất; giảm các khoản vay cũ quý III và quý IV/2022; tư vấn về giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn do suy thoái kinh tế và đối thủ cạnh tranh; đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực đấu thầu tham gia các dự án của Nhà nước, hoặc có vốn ngân sách đầu tư.

Ngoài ra, cũng cần có những cơ chế cho các doanh nghiệp làm dịch vụ xuất, nhập khẩu để chi phí xuất, nhập hàng giảm xuống.

Theo đánh giá của CIEM, khi thực hiện rà soát, đánh giá cải cách về điều kiện kinh doanh thời điểm hiện nay so với năm 2019 cho thấy không có chuyển biến tốt hơn.

Vì vậy, việc kiểm tra, rà soát và xóa bỏ mọi rào cản trong môi trường kinh doanh hiện đang là nhiệm vụ rất nặng nề. Bởi muốn tạo lập môi trường phát triển cho doanh nghiệp buộc phải sớm rà soát lại các quy định, thể chế đang áp dụng ở mọi ngành kinh tế và kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính, nhất là phải quy định cấp thẩm quyền nào mới được đưa ra các quy định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, có ba điểm được nhấn mạnh: Không chỉ cải cách thủ tục mà cắt giảm chi phí tuân thủ; rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính là rào cản, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ và xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân và doanh nghiệp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, Chính phủ cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí, nếu thật sự chưa cấp bách, chưa ban hành quy định mới, nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp quy định để doanh nghiệp có thời gian ổn định sức khỏe và chuẩn bị phương án tuân thủ.

Hiện doanh nghiệp tại một số ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, tài chính,... có nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng quy định hiện hành đôi khi cản trở hoạt động đó. Do đó, cần nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, vượt qua khó khăn.

Về lâu dài, cần nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải có biện pháp quản trị nguồn lực tốt hơn và có phương án thay thế các nguồn lực từ tín dụng, có phương án cắt giảm chi phí; đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng quản trị hiện đại, xanh hóa, số hóa nhằm thích ứng với bối cảnh chung của thế giới.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top