Mường Nhé sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

09:01 - Thứ Tư, 02/08/2023 Lượt xem: 5201 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; tích cực thử nghiệm, ứng dụng các giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm địa phương.

Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Hà Ân, huyện Mường Nhé thu hoạch bí xanh.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Ðể đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, Phòng tập trung vận động, hướng dẫn người dân phương pháp, kỹ thuật chăm sóc cây trồng; chú trọng điều tiết nguồn nước tưới, tránh bị hạn hán cục bộ gây ảnh hưởng năng suất. Ðồng thời, ổn định diện tích các loại cây trồng hiện có, chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đỗ, lạc, đậu tương. Ðặc biệt là triển khai kịp thời, hiệu quả cơ chế hỗ trợ nông dân về giống, phân bón, áp dụng khoa học kỹ thuật trên các mô hình được triển khai thực hiện. Từ đầu năm đến nay, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Dân tộc huyện hướng dẫn UBND các xã thực hiện sản xuất lúa vụ đông xuân, sản xuất cây trồng vụ xuân - hè và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sử dụng nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó, diện tích gieo cấy lúa đông xuân của huyện đạt 238,94ha (đạt 123% kế hoạch giao), năng suất đạt 58,5 tạ/ha, sản lượng 1.386,1 tấn (tăng 252 tấn so với vụ đông xuân năm 2022). Ðối với sản xuất trên nương, bãi như: Sắn, ngô, lúa nương; đơn vị cũng tích cực vận động người dân duy trì diện tích hiện có, cây sắn duy trì 701,63ha; cây ngô diện tích 1.068,4ha; lúa nương 897,1ha.

Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, thời gian qua huyện Mường Nhé còn khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp. Ðến nay, Mường Nhé đã phát triển và duy trì ổn định diện tích cây ăn quả với 169,10ha gồm: 44,7ha cam; 1,5ha chanh; 4,3ha bưởi; 11,5ha mận; 16,2ha nhãn; 8,5ha vải; 9,3ha dứa; 36,6ha chuối; 36,5ha xoài. Ngoài ra, cây cao su được duy trì với diện tích 1.201,42ha, trong đó diện tích khai thác mủ 1.030ha, sản lượng mủ quy khô ước đạt 196 tấn. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện chú trọng phát triển sản phẩm có tiềm năng, lợi thế như: Gạo tẻ thơm, gạo tẻ đỏ Hà Nhì; thịt trâu, bò, cá gác bếp và cam tươi. Ðồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia hội chợ triển lãm, trưng bày trong và ngoài tỉnh kết hợp thúc đẩy giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử. tích cực tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tạo nguồn sản phẩm lợi thế theo hướng tập trung. Dự kiến đến cuối năm 2023, Mường Nhé sẽ thực hiện đánh giá xếp loại đối với các sản phẩm; trong đó có sản phẩm quả cam Vinh của Hợp tác xã Nông nghiệp Huấn Loan (bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè).

Xác định đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là thủy lợi là yếu tố tiên quyết đối với sản xuất nông nghiệp, hàng năm huyện Mường Nhé chú trọng tu sửa, bảo dưỡng và đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng. Ðến nay, trên địa bàn huyện có 70 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với tổng chiều dài kênh mương 115,478km. Nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả, UBND các xã thành lập 44 chi hội dùng nước quản lý vận hành 56 công trình. Nhờ đó, nhiều xã tích cực luân canh gối vụ, mở rộng diện tích lúa nước và tăng diện tích sản xuất lúa 2 vụ như: Mường Nhé, Chung Chải, Nậm Kè, Mường Toong, Sen Thượng, Quảng Lâm; góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.

Bài, ảnh: Ðức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top