Bất cập dự án trồng mắc ca ở Mường Nhé

15:05 - Thứ Tư, 02/08/2023 Lượt xem: 5990 In bài viết

ĐBP - Dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao trên địa bàn huyện Mường Nhé được triển khai thực hiện với nhiều kỳ vọng từ chính quyền địa phương cũng như người dân. Tuy nhiên sau nhiều năm triển khai, đến nay dự án đã bộc lộ nhiều bất cập. Tại địa bàn khó khăn như xã Sen Thượng, hàng trăm héc ta mắc ca lại đang bị bỏ mặc, không được chăm sóc dù đã đầu tư nhiều công sức, tiền bạc.

Hàng rào thép gai tại khu vực trồng cây mắc ca của xã Sen Thượng bị đổ, hư hỏng.

Sau cơn mưa rả rích, chị Tòng Thị Nga, cán bộ địa chính xã Sen Thượng dẫn chúng tôi đi khảo sát thực tế tại khu vực trồng mắc ca của Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc trên địa bàn xã. Ðường nhỏ, trơn nên chúng tôi chỉ có thể đi bộ chứ không sử dụng được phương tiện nào khác.

Mặt trời dần lên cao, con đường lầy bắt đầu khô dần, lô nhô sỏi đá. Ai nấy đều mướt mồ hôi. Sau khoảng 1 giờ đi bộ, chúng tôi cũng đến khu vực trồng mắc ca của Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc. Song nếu không có chị Nga chỉ dẫn thì khó có thể nhận ra đây là khu vực trồng cây mắc ca bởi nơi đây cỏ gianh mọc um tùm che lấp cây mắc ca. Tại nhiều nơi, hệ thống hàng rào thép gai bảo vệ, phân chia ranh giới giữa đường và vườn trồng mắc ca đã bị đứt, đổ nghiêng ngả. Ngay cả cổng vào cũng hư hỏng hoàn toàn, đổ rạp bên rãnh thoát nước. Ði sâu vào trong khu vực trồng cây mắc ca chúng tôi thấy nhiều gia súc của người dân được thả rông đã làm không ít cây mắc ca gẫy đổ, thậm chí là bị chết. Qua trao đổi với cán bộ địa chính xã, chúng tôi được biết diện tích mắc ca này trồng từ năm 2018 - 2019 nên nhiều cây đã ra quả bói. Nhưng do không được chăm sóc nên cây sinh trưởng, phát triển chậm, lượng quả ra bói rất ít. 

Băn khoăn về hàng trăm héc ta cây mắc ca bị bỏ mặc, chúng tôi trở lại trụ sở UBND xã Sen Thượng để trao đổi với lãnh đạo xã. Tiếp chúng tôi, ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 300ha mắc ca của Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc tại 2 bản: Chiếu Sừng và Sen Thượng. Theo quy hoạch được phê duyệt, tổng diện tích trồng mắc ca của xã là 1.000ha, tại các bản Sen Thượng, Chiếu Sừng và Long San. Công ty cũng đưa ra mức hỗ trợ khai hoang 15 triệu đồng/ha nên người dân các bản đều nhất trí. Ðến nay, Công ty đã hỗ trợ trước cho mỗi bản 400 triệu đồng; 3 bản nhận tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Thế nhưng diện tích cây mắc ca đã trồng hơn 1 năm qua Công ty lại không đoái hoài, chăm sóc. Tại khu vực trồng cây mắc ca không có công nhân thực hiện việc chăm sóc mà chỉ có một người trông coi khiến số lượng cây chết, gãy đổ nhiều, cỏ mọc um tùm.

Còn về phía người dân các bản Sen Thượng, Chiếu Sừng, những người đáng lẽ phải vui mừng đón thành quả sau bao ngày chờ đợi thì nay lại đang mất dần niềm tin vào dự án “cây triệu đô” này.

Ông Chang Chùy Cà, Trưởng bản Sen Thượng cho biết: Bản có 144 hộ, khoảng 1.500 nhân khẩu. Thời điểm triển khai dự án trồng cây mắc ca bản được nhận 400 triệu đồng, chia đều cho các hộ. Bây giờ Công ty mắc ca không chăm sóc nữa, bỏ hoang như vậy rất lãng phí nên nguyện vọng của chúng tôi là được lấy lại đất về cho cộng đồng canh tác cây trồng khác.

Nhìn hàng trăm héc ta cây mắc ca đầy triển vọng bị “lãng quên”, chúng tôi không khỏi xót xa, nuối tiếc cho bao nhiêu công sức kiến thiết, hi vọng của chính quyền và người dân địa phương cũng như tiền đầu tư của Công ty. Nếu vườn mắc ca tiếp tục không được chăm sóc, phó mặc cho tự nhiên thì việc cây mắc ca không phát triển được, gãy đổ, thậm chí bị “xóa sổ” là điều không tránh khỏi.

Theo quy hoạch, dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao trên địa bàn huyện Mường Nhé được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô thực hiện 10.105ha tại địa bàn 11/11 xã. Nhà đầu tư dự kiến trồng trên diện tích thuê đất của Nhà nước 7.105ha còn lại liên kết với người dân thực hiện trồng 3.000ha mắc ca. Tuy nhiên, đến nay dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương cũng như nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Ngay sau khi có thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ chế, chính sách đối với các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh; công văn của UBND tỉnh về việc định hướng một số nội dung về cơ chế, chính sách đối với các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Mường Nhé đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã trong vùng quy hoạch trồng mắc ca phối hợp với Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc. Cụ thể là tổ chức tuyên truyền rộng rãi cơ chế chính sách đối với dự án trồng mắc ca trên địa bàn huyện tới nhân dân các dân tộc. Việc đo đạc, quy chủ nội nghiệp với tổng diện tích 2.389,83ha tại các xã: Sín Thầu, Sen Thượng và Leng Su Sìn cũng được Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, các đơn vị liên quan và UBND các xã triển khai (đạt 23% so với quy mô của dự án). Ðến nay, tổng diện tích Công ty đã thực hiện trồng là 452,22ha (đạt 4,5% so với quy mô phê duyệt dự án). Công ty đã thanh toán, tạm ứng hỗ trợ khai hoang cho các hộ dân và cộng đồng dân cư hơn 3,9 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho 32 hộ dân và 1 cộng đồng tạm ứng với tổng số tiền trên 2,7 tỷ đồng đối với xã Sín Thầu, tạm ứng cho 3 cộng đồng với số tiền là 1,2 tỷ đồng đối với xã Sen Thượng.

Khảo sát thực địa tại một số khu vực trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện, phóng viên nhận thấy, do không được chăm sóc định kỳ và bảo vệ thường xuyên khiến nhiều cây “triệu đô” gãy đổ, chết. Riêng từ đầu năm đến nay, Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc chưa tổ chức chăm sóc, phát dọn thực bì. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cũng như hiệu quả thực hiện dự án.

Với tiềm năng, lợi thế của Mường Nhé là có diện tích đất tự nhiên rộng lớn, diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng khá lớn, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, quy mô của Dự án là 10.105ha. Song đến nay Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc mới thực hiện dự án trên địa bàn huyện đạt 4,5% so với quy mô phê duyệt. Trước tiến độ thực hiện rất chậm, năm 2022 UBND huyện đã 2 lần mời Công ty làm việc để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc “chưa sắp xếp được thời gian, công việc” để làm việc với huyện.

Trước tình hình thực tế triển khai thực hiện dự án trồng mắc ca công nghệ cao của chủ đầu tư trên địa bàn huyện, đặc biệt là nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04/NQ-HU ngày 19/5/2021 của Ban chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Mường Nhé đã đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét điều chỉnh quy mô đầu tư của dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, Mường Nhé điều chỉnh quy mô dự án trồng mắc ca công nghệ cao trên địa bàn từ 10.105ha tại 11 xã xuống còn 2.389,83ha tại 3 xã. Trong đó, Sín Thầu 1.138,4ha, Sen Thượng  945,87ha và Leng Su Sìn 314,56ha. Ðồng thời, nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Bài, ảnh: Diệp Chi - Mai Phương
Bình luận
Back To Top