Để phát triển nông nghiệp thông minh hiệu quả và bền vững

15:28 - Thứ Tư, 02/08/2023 Lượt xem: 4543 In bài viết

Chủ trương về phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đã được Đảng, Nhà nước triển khai khá sớm và khoa học công nghệ được coi là chìa khoá phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại.

Cấp thiết phải phát triển nền nông nghiệp thông minh

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau sạch, rau hữu cơ (Ảnh: PV)

Điều đó được thể hiện qua Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết 19 ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã khẳng định rõ quan điểm: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Đặc biệt, phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ tạo sự đột phát, trong đó phát triển công nghệ sinh học, công nghệ giống, vườn ươm; phát triển mối liên kết xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến.

Ngày 27/02/2023, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Chính phủ đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, trong đó có thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, thị trường khoa học công nghệ.

Thực tế vài năm trở lại đây, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều người chọn lựa, dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhiều người trong số họ đã thành công, trở thành những điển hình trong phong trào phát triển sản xuất kinh doanh giỏi ở mỗi địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, với Việt Nam, rõ ràng nông nghiệp là lợi thế. Nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc… điều kiện tự nhiên của họ khắc nghiệt hơn chúng ta nhiều. Chúng ta có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nền nông nghiệp. Từ năm 2008, sau khi hội nhập, nền nông nghiệp nước ta phát triển rất nhanh. Bởi vậy, trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, yếu tố đặt lên hàng đầu là hiệu quả. Hiệu quả dựa trên quy mô, công nghệ, quản trị.

Cũng theo ông Tiến, về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, chúng ta có rất nhiều. Chúng ta có chính sách tích tụ ruộng đất, có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã. Chúng ta có chính sách hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị... Vấn đề đặt ra chúng ta tiếp cận chính sách như thế nào?

Xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới

Thăm mô  hình lúa hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm tại Vĩnh Phúc (Ảnh: PV)

Đồng quan điểm với ông Tiến, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, cần chú ý tới các xu hướng nông nghiệp hiện đại, đó là:

Thứ nhất, chúng ta đều nhìn thấy rõ xu hướng hiện tại và trong tương lại sẽ luôn luôn thời sự, đó là các sản phẩm "sạch". Để có sản phẩm sạch thì hữu cơ sẽ là yếu tố giúp sản phẩm của chúng ta tăng giá bán, vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Bên cạnh yếu tố sản xuất hữu cơ, chúng ta có thể tham gia và xây dựng sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn OCOP, đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm mà nhiều địa phương đã và đang tiếp tục xây dựng.

Thứ hai là xu hướng xuất khẩu. Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp đang được xuất khẩu nhanh, nhiều như vũ bão. Mỗi khi đọc các bản tin hay xem thời sự chúng ta đều có thể nắm bắt được các thông tin về xuất khẩu nông sản. Và chỉ khi xuất khẩu thì mới có thể mang lại giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần so với bán ở thị trường nội địa.

Thứ ba là xu hướng lựa chọn những sản phẩm tinh chế áp dụng công nghệ cao.

Thứ tư, cần tiếp cận và chú trọng tới hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiện đại thông qua các hình thức phân phối logistics. Xây dựng kênh phân phối riêng để có thể chủ động hoàn toàn trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Và cuối cùng là xu hướng kết hợp yếu tố công nghệ cao vào sản xuất chế biến để tạo ra những sản phẩm đột phá. Khi đưa yếu tố công nghệ vào không chỉ giúp tiết kiệm được chi phí tăng được sự cạnh tranh của sản phẩm, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng.

Điều các nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay cần nhất chính là Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn tới nông nghiệp tại địa bàn, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện giúp các startup khởi nghiệp thành công, tạo dựng được sản phẩm uy tín hơn nữa không chỉ ở thị trường Việt Nam mà cả nước ngoài.

Thêm vào đó, Nhà nước, Bộ, ngành có cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp bền vững, mang tính dài lâu để không chỉ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các vùng miền trong cả nước tiếp cận được với người tiêu dùng, mà còn nhiều loại nông sản khác của Việt Nam, đặc biệt là không chỉ người có thu nhập mua được mà cả những người lao động bình dân cũng có cơ hội tiếp cận. Muốn vậy, Chính phủ cần hỗ trợ các startup về lãi suất, nguồn vốn để giảm giá thành.

Nông nghiệp đang ngày càng thu hút nhiều người trẻ, là mảnh đất màu mỡ cho các startup, nhất là với khởi nghiệp về nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Mỗi một cá nhân hay tổ chức khởi nghiệp đều có một con đường, một phương thức đến với nông nghiệp nhưng ở họ có một điểm chung là quyết tâm nâng tầm những sản phẩm nông nghiệp, góp phần mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp – nông nghiệp thông minh thời kỳ mới.

Theo Dangcongsan
Bình luận

Tin khác

Back To Top