Bất cập quản lý bảo vệ rừng giáp ranh

09:31 - Thứ Năm, 03/08/2023 Lượt xem: 6701 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng trái pháp luật tại khu vực rừng giáp ranh xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) với bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Nghịch lý là, sau điều chỉnh địa giới hành chính giữa 2 huyện Mường Nhé và Mường Tè, nhiều hộ dân thuộc xã Tà Tổng quản lý vẫn đang sinh sống trên địa bàn xã Huổi Lếch khiến công tác quản lý bảo vệ rừng của chính quyền địa phương gặp không ít vướng mắc.

Lãnh đạo UBND xã Huổi Lếch phát biểu tại buổi làm việc giữa chính quyền 2 huyện và người dân.

Từ vướng mắc địa giới hành chính...

Từ trung tâm xã Huổi Lếch, chúng tôi theo tổ công tác của huyện Mường Nhé men theo con đường mòn dài 20km đến bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng (huyện Mường Tè). Anh Ngô Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) kể: “Ðây là lần thứ 6 chính quyền địa phương tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với người dân Nậm Ngà rồi. Mỗi lần gặp mặt, làm việc giữa chính quyền, người dân đều gian nan lắm! Ðợt nào gặp trời mưa thì đoàn xác định ở lại trong rừng hoặc đợi trời tạnh ráo thì tiếp tục băng rừng đến Nậm Ngà rồi ở lại cả tuần để thực hiện nhiệm vụ”.

Lần này chúng tôi may mắn vì đường khá khô ráo nên sau 2 giờ vượt núi, băng rừng, tổ công tác cũng có mặt tại bản. Sau khi đông đủ thành phần làm việc giữa chính quyền 2 xã, 2 huyện; đặc biệt là người dân bản Nậm Ngà, đại diện huyện Mường Nhé nhanh chóng giới thiệu thành phần, lý do tổ chức buổi gặp mặt, làm việc. Bên cạnh việc phân tích rõ ràng cho người dân hiểu các nội dung về đảm bảo an ninh, trật tự; quản lý bảo vệ rừng là quyền lợi cũng như nghĩa vụ của bà con thì trước hết Mường Nhé mong muốn nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân Nậm Ngà. Từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Như được mở lời, ông Mùa A Phồng, người có uy tín bản Nậm Ngà chậm rãi đứng lên phát biểu: “Người dân bản Nậm Ngà đã thống nhất với nhau rồi. Chúng tôi đề nghị chính quyền điều chỉnh lại địa giới hành chính, cắt diện tích bản Nậm Ngà đang canh tác, sản xuất sang cho huyện Mường Tè. Nếu không điều chỉnh được địa giới hành chính, đề nghị xem xét bố trí chỗ ở mới cho bản Nậm Ngà đến sinh sống tại bản Tả Ló San, xã Sen Thượng. Còn trường hợp không thực hiện được các nội dung trên, nhân dân bản Nậm Ngà sẽ không nhận khoán bảo vệ rừng của xã Huổi Lếch”.

Ðược biết, khoảng năm 1986 tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã có một số hộ dân đến sinh sống thuộc bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng quản lý. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính vào năm 2002 thì khu vực trên thuộc xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) trong khi đó, người dân Nậm Ngà có hộ khẩu thuộc xã Tà Tổng quản lý. Hiện nay, bản Nậm Ngà có 81 hộ với 391 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông, Hà Nhì. Từ rất lâu người dân Nậm Ngà đã đến đây khai hoang, phát triển kinh tế, sinh sống qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, khi điều chỉnh địa giới hành chính người dân Nậm Ngà ai nấy đều không muốn phải tách về Huổi Lếch.

...đến phá rừng giáp ranh

Nhiều năm qua, vấn đề giữ và bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh của người dân Nậm Ngà được chính quyền địa phương đánh giá thực hiện tốt song chỉ vì mâu thuẫn về địa giới hành chính, chưa hiểu rõ các quy định, chính sách pháp luật mà một số người dân bị kích động dẫn đến việc liên tiếp phá rừng. Ðiển hình như ngày 14/2/2023, xã Huổi Lếch đã phối hợp với xã Tà Tổng tuần tra, kiểm tra tại khu vực rừng Huổi Lếch (khu vực bản Nậm Ngà) phát hiện một số vị trí người dân phát, lấn chiếm vào diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Khi tổ công tác của xã Huổi Lếch tiến hành đo đếm, kiểm tra đối với các vị trí phát, lấn chiếm vào diện tích rừng chi trả DVMTR thì dân bản Nậm Ngà không đồng ý cho đo đếm, kiểm tra. Thời gian gần đây, tại khu vực giáp ranh đã xảy ra 10 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp với tổng diện tích rừng phòng hộ bị thiệt hại 87.400m2, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé đã khởi tố vụ án, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra của huyện giải quyết. Trước tình hình trên, huyện Mường Nhé đề nghị UBND huyện Mường Tè chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với xã Huổi Lếch tổ chức tuyên truyền, vận động dân bản Nậm Ngà chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhất là nghiêm cấm các hành vi phá rừng, khai thác rừng và xâm hại đến tài nguyên rừng của 2 huyện. Ðồng thời, thành lập 1 tổ công tác liên ngành tổ chức điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ vụ việc phá rừng trái pháp luật tại xã Huổi Lếch. Từ đó, đấu tranh làm rõ những đối tượng cầm đầu, chủ mưu, khởi xướng (nếu có) để xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Là Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành tổ chức điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ vụ việc phá rừng trái pháp luật tại xã Huổi Lếch, anh Lò Văn Giáp, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho biết: Tổ công tác liên ngành đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện Mường Tè điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ vụ việc phá rừng trái pháp luật tại xã Huổi Lếch; đảm bảo vụ việc được xử lý dứt điểm và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Hai bên đã tiến hành làm việc với các bản Nậm Ngà, Tia Ma Mủ (xã Tà Tổng) và Pa Tết, Cây Sặt (xã Huổi Lếch) để kiểm tra, xác minh diện tích rừng bảo vệ của các bản, đồng thời chỉ rõ ranh giới diện tích rừng khoảng 1.000ha của xã Huổi Lếch đang dự kiến khoán bảo vệ rừng cho bản. Ðến nay, lực lượng chức năng huyện Mường Nhé đã điều tra làm rõ 1 vụ việc, bắt 1 đối tượng để xử lý hành chính; còn lại 9 vụ hiện đang mở rộng làm rõ các đối tượng có liên quan.

Kiểm lâm địa bàn xã Huổi Lếch phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh vụ việc phá rừng.

Kiên trì tuyên truyền, vận động

Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, gắn với trách nhiệm của người dân, chính quyền 2 huyện Mường Nhé, Mường Tè thống nhất phương án chi trả DVMTR cho bản Nậm Ngà đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê của xã Huổi Lếch đã được UBND huyện Mường Nhé giao trách nhiệm quản lý rừng để hưởng chính sách DVMTR. Song nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng người dân bản Nậm Ngà đều không nhất trí nhận khoán bảo vệ rừng để được hưởng chính sách DVMTR.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé chia sẻ: Huyện Mường Nhé cũng mong muốn người dân Nậm Ngà đồng ý sáp nhập về xã Huổi Lếch để thuận tiện quản lý địa giới hành chính và bảo vệ rừng, chi trả DVMTR. Song thực tế mục tiêu không dễ thực hiện trong một sớm một chiều mà phải thật kiên trì, nhất quán trong việc tuyên truyền, vận động. Với quan điểm dân ở đâu cũng là chính quyền quản lý, huyện Mường Nhé luôn lắng nghe dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện Mường Tè trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp tại khu vực giáp ranh giữa 2 huyện, huyện Mường Nhé đề nghị huyện Mường Tè chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp triển khai, thực hiện khoán bảo vệ rừng cho bản Nậm Ngà (đối với diện tích rừng của xã Huổi Lếch). Ðồng thời, chỉ đạo xã Tà Tổng phối hợp với xã Huổi Lếch tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động dân bản Nậm Ngà nhận khoán bảo vệ rừng của xã Huổi Lếch để được hưởng chính sách DVMTR. Xem xét, chỉ đạo UBND xã Tà Tổng không cắt số tiền DVMTR (bên xã Tà Tổng) khi dân bản Nậm Ngà đã nhất trí nhận khoán bảo vệ rừng, hưởng chính sách DVMTR của xã Huổi Lếch. Trường hợp người dân Nậm Ngà không nhất trí nhận khoán bảo vệ rừng của xã Huổi Lếch, đề nghị xã Tà Tổng xem xét, lựa chọn 1 tổ chức trên địa bàn xã Tà Tổng nhận khoán bảo vệ rừng của xã Huổi Lếch nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm, công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, ưu tiên Công an xã, Ban Chỉ huy Quân sự xã hoặc các tổ chức đoàn thể của xã Tà Tổng; sau khi nhận tiền DVMTR phải cam kết chi trả cho bản Nậm Ngà.

Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top