Liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp còn lỏng lẻo, chuỗi giá trị kém hiệu quả

15:01 - Thứ Năm, 03/08/2023 Lượt xem: 4182 In bài viết

Hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh từng địa phương. Những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng.

Ngày 3-8, Tạp chí Kinh doanh, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết tháng 6-2023, cả nước có 30.425 HTX và 120.983 tổ hợp tác, trong đó có 76.456 tổ hợp tác nông nghiệp. Việc liên kết vùng sẽ giúp các HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.

Tuy vậy, trên thực tế, liên kết vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cả nước có 2.038 chuỗi liên kết được xây dựng kể từ năm 2018 đến nay, chiếm 29,43% tổng số chuỗi liên kết với 1.250 HTX nông nghiệp tham gia.

Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng. Bên cạnh đó, chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các HTX hình thành cụm liên kết ngành.

TS Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) nhìn nhận, thách thức lớn hiện nay là việc liên kết kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuy có cải thiện nhưng còn khá lỏng lẻo, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể. Điều này đòi hỏi cần khắc phục hạn chế, khẳng định vai trò thực chất của liên kết kinh tế trong ngành nông nghiệp.

Các giải pháp được Tiến sĩ Vũ Mạnh Hùng đề ra là tiếp tục thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng mô hình cánh đồng lớn; cần đề cao vai trò của Nhà nước trong xây dựng và phát triển liên kết ngành, nhất là phát triển sản phẩm chủ đạo có tính chất dẫn dắt, lôi kéo các hoạt động khác phát triển; chú trọng làm tốt khâu tuyên truyền vận động HTX và nông dân tự nguyện liên kết với nhau trên cơ sở chung động lực lợi ích. Đặc biệt, cần chú trọng quan tâm, thu hút được các doanh nghiệp, HTX làm hạt nhân liên kết xây dựng chuỗi giá trị nông sản.

Đại diện các đơn vị tham dự Diễn đàn kiến nghị nhiều nội dung nhằm thúc đẩy liên kết vùng theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Để các mục tiêu, yêu cầu trên trở thành hiện thực, thời gian tới, cần tạo kênh thông tin thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực đế hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng…

Ngoài ra, liên kết vùng hiệu quả cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở vùng, yêu cầu về quy mô, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng hướng đến giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top