Quy hoạch các vùng chuyên canh nông nghiệp

09:17 - Thứ Sáu, 04/08/2023 Lượt xem: 6133 In bài viết

ĐBP - Sau nhiều năm thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Ðiện Biên đã và đang hình thành những vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi. Việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung không những giúp phân bố lao động hợp lý, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn mà còn góp phần quan trọng vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn.

Ðẩy nhanh tiến độ các dự án trồng cây mắc ca là nội dung quan trọng trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông. Ảnh: Nhật Phương

Ðể hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp, ngay từ những năm đầu xây dựng, tái thiết tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển nông nghiệp. Qua các giai đoạn, thời kỳ, UBND tỉnh tiến hành rà soát, bổ sung vào quy hoạch tổng thể nông nghiệp để phù hợp với thực tế địa phương và xu hướng thị trường. Có quy hoạch, có chủ trương đúng đắn trong việc thu hút các nhà đầu tư, có cơ chế cho người dân và doanh nghiệp vay vốn, thu hút lao động, từ một vùng đất hoang sơ, bị tác động nhiều bởi chiến tranh, đến nay tỉnh ta đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có quy mô như: Vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao ở huyện Ðiện Biên; cây ăn quả ở Mường Ảng, Tuần Giáo, Ðiện Biên; vùng phát triển các cây công nghiệp cà phê, cao su, mắc ca; vùng phát triển kinh tế lâm nghiệp; phát triển chăn nuôi đại gia súc...

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có gần 20.000ha lúa 2 vụ; 23.878ha ngô; 2.640ha cà phê; 5.010ha cao su; 612,89ha chè; 2.096ha mắc ca và 3.982ha cây ăn quả. Tổng đàn gia súc đạt 545.533 con; trên 2.741ha nuôi trồng thủy sản. Việc hình thành các vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi, cùng với việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thúc đẩy năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi không ngừng được nâng lên. Người dân ở các vùng chuyên canh, nhất là chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: Cao su, cà phê, lúa gạo, cây ăn quả… đã có thu nhập khá, đời sống ổn định.

Cùng với việc thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án lớn trong phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Ðồng thời, tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 1 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 dự án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương đầu tư, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là 28 doanh nghiệp.

Các đề án nông - lâm nghiệp gắn với vùng chuyên canh đã và đang được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Ðơn cử như Ðề án phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản, toàn tỉnh đã có 1 vùng sản xuất cây ăn quả (cam, bưởi) được xác nhận cấp mã số vùng trồng với diện tích 3ha. Tại huyện Tuần Giáo đang hình thành vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh với tổng diện tích trên 550ha theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, một số diện tích đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. 6 tháng đầu năm 2023, huyện Tuần Giáo đã xuất bán 100 tấn xoài cho Công ty Rau quả Trung ương với giá bán 7.500 - 10.500 đồng/kg. Thực hiện Ðề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương đã trồng được 128/415ha rừng, tổ chức ươm trên 1,5 triệu cây giống phục vụ trồng rừng; các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ trồng rừng tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy điện sinh khối và các sản phẩm lâm nghiệp khác trên địa bàn 4 huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà và Tủa Chùa.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm tuy chưa phát triển mạnh, giá trị thu được thấp hơn so với trồng trọt, bởi lẽ việc phát triển chăn nuôi còn nhỏ lẻ ở các hộ gia đình, thiếu cơ chế, chính sách cho người dân đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn. Phát triển thủy sản trên các lòng hồ thủy điện còn hạn chế. Song, với quy hoạch được duyệt, các địa phương như: Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông, Ðiện Biên đã ban hành nghị quyết phát triển chăn nuôi đại gia súc, quan tâm thu hút doanh nghiệp và khuyến khích người dân đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, gia trại. Các huyện Tủa Chùa, Mường Chà, TX. Mường Lay phát huy lợi thế về lòng hồ thủy điện đầu tư và nhân rộng các mô hình nuôi cá lồng, bè để người dân phát triển kinh tế.

Ðể tiếp tục tạo ra những bước phát triển mới cho nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh ta tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nương từ các cây trồng truyền thống sang cây công nghiệp và cây ăn quả giá trị cao. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nông nghiệp; liên kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Trước mắt tiếp tục duy trì, phát triển ổn định diện tích cây cao su; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trồng cây mắc ca; mở rộng vùng trồng cây ăn quả giá trị cao tại Mường Ảng, Tuần Giáo và Ðiện Biên. Ðối với phát triển kinh tế lâm nghiệp, các địa phương tiếp tục chú trọng công tác trồng rừng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án về lâm nghiệp, dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Ðối với cây lúa nước, các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Ðiện Biên Phủ chú trọng phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao theo hướng hàng hoá. Ðầu tư, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất lúa gạo theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, năng suất, sản lượng sản phẩm. Ðồng thời, chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án, dây chuyền công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Về thủy sản, đẩy mạnh nuôi cá tại các hồ thủy điện, hồ thủy lợi.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top