Giá vàng ngày 10/8 đồng loạt giảm

15:30 - Thứ Năm, 10/08/2023 Lượt xem: 4294 In bài viết

Giá vàng hôm nay (10/8) tiếp đà giảm xuống 1.916,5 USD/ounce, vùng giá thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. Trong nước, giá vàng miếng SJC giao dịch quanh mức 67,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước sáng nay biến động nhẹ

Giá vàng trong nước ngày 10/8 giảm nhẹ, giao dịch sát quanh 67,3 triệu đồng/lượng.

Thống kê giá vàng của Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Rồng Việt VDOS - Cập nhật lúc 9 giờ 30 phút ngày 10/8.

Cụ thể, tính đến 9 giờ 30 phút sáng nay, giá vàng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,3 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 50.000 đồng/lượng so kết thúc phiên giao dịch hôm trước.

Trong khi đó, giá vàng SJC sáng nay giảm nhẹ, niêm yết mua vào-bán ra ở mức 66,75-67,27 triệu đồng/lượng, đứng yên so ngày hôm qua.

Vàng PNJ đang mua vào ở mức 55,9 triệu đồng/lượng và bán ra mức 57 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 200.000 đồng và 100.000 đồng so ngày trước đó.

Giá vàng thế giới sáng nay tiếp tục giảm

Giá vàng thế giới sáng nay 10/8 giảm với vàng giao ngay giảm 8,5 USD xuống 1.916,5 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.951,2 USD/ounce tăng 0,6 USD so phiên giao dịch trước đó.

Giá vàng sáng nay tiếp đà giảm, rơi xuống mức thấp nhất trong 1 tháng do chịu áp lực tăng giá của đồng USD và lãi suất tăng.

Theo một số nhà phân tích, thị trường vàng tiếp tục gặp khó khăn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn đang duy trì chu kỳ thắt chặt tiền tệ, khiến các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường cho đến khi FED có câu trả lời dứt khoát hơn về hướng lãi suất.

Biểu đồ giá vàng sáng 10/8. (Ảnh: kitco.com)

Bên cạnh đó, các số liệu kinh tế ảm đạm của Trung Quốc vừa công bố cũng gia tăng áp lực lên giá vàng. Cụ thể, lượng hàng hóa ​​xuất khẩu tháng 7 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm 14,5% so cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ đại dịch Covid-19; nhập khẩu dự kiến giảm 12,4%.

Ngoài ra, dữ liệu mới nhất về lạm phát của Trung Quốc cho thấy, giá cả tiêu dùng của nước này giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021. Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 giảm 0,3% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 10 liên tiếp, giảm 4,4% so năm ngoái.

Các dữ liệu mới nhất từ Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng, hoạt động kinh tế của quốc gia tỷ dân có thể tiếp tục chậm lại trong quý III năm nay, khiến nhu cầu vàng tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ sẽ được công bố vào tối nay, tiếp theo là Chỉ số giá sản xuất (PPI) vào thứ 6. CPI tháng 7 dự kiến sẽ tăng nhẹ so mức tăng 3,0% tháng 6 và mức tăng 3,3% cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số PPI trong tháng 7 cũng được dự đoán sẽ tăng so tháng 6.

Theo Kitco News, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA Edward Moya nhận định, đang có nhiều mối lo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế thế giới có thể yếu hơn nhiều so những gì được dự báo trước đây và điều này thúc đẩy giới đầu tư mua USD.

Ông Moya cho biết: “Báo cáo lạm phát Mỹ sắp được công bố tối nay sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới thị trường vàng, nhưng quan trọng hơn phải là báo cáo lạm phát công bố vào tháng tới, đồng nghĩa với việc, chúng ta có thể còn chứng kiến giá vàng giằng co nhiều trong ngắn hạn”.

Các kim loại quý khác cũng đang mất giá khá nhiều trong tuần với bạch kim giảm gần 4%, trong khi bạc giảm 4,1%.

Sáng nay, Chỉ số USD-Index leo lên 102,48, gần mức cao nhất trong 5 tuần; lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức 4,027%, mức cao nhất từ đầu năm; chứng khoán Mỹ tiếp tục điều chỉnh; giá dầu tăng, giao dịch ở mức 84.29 USD/thùng.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top