Ô nhiễm CO2 toàn cầu tiếp tục lên mức đáng báo động

15:02 - Thứ Sáu, 11/11/2022 Lượt xem: 6329 In bài viết

 

Theo các nhà khoa học, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, có thể sẽ tăng 1% trong năm 2022, thậm chí có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Ô nhiễm khói bụi tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh Reuters

Báo cáo “Global Carbon Budget” được công bố ngày 11/11 tại Hội nghị COP27 một lần nữa cho thấy khoảng cách từ lời nói đến hành động của các chính phủ, công ty và nhà đầu tư trên thế giới trong việc cắt giảm lượng khí thải làm nóng lên toàn cầu trong những năm tới.

Lượng khí thải từ dầu mỏ có thể sẽ tăng hơn 2% so với năm ngoái, trong khi lượng khí thải từ than đá, vốn được cho là đã đạt đỉnh hồi năm 2014, sẽ ghi nhận kỷ lục mới, các chuyên gia dự đoán.

Glen Peters, giám đốc nghiên cứu tại viện nghiên cứu khí hậu CICERO ở Na Uy, cho biết: “Ngành công nghiệp dầu mỏ đang hồi sinh trở lại nhờ sự phục hồi của các hoạt động kinh tế sau đại dịch COVID-19, trong khi sử dụng than đá và khí đốt cũng gia tăng do các sự kiện liên quan đến Ukraine”.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu từ tất cả các nguồn phát thải, bao gồm cả nạn phá rừng, sẽ đạt 40,6 tỷ tấn, chỉ thấp hơn không đáng kể so với mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 2019. Khoảng 90% trong lượng này là kết quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Các số liệu mới được công bố cho thấy việc giảm lượng khí thải đủ nhanh để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris là “giữ mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp” là điều không hề dễ dàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, mức tăng nhiệt 1,2 độ C đã gây ra nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt hơn, như các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và các cơn bão nhiệt đới với sức tàn phá khủng khiếp.

Báo cáo tại Hội nghị COP27 cũng cho thấy lượng khí thải trong năm nay tại Mỹ sẽ tăng 1,5%, tại Ấn Độ là 6%. Đây là nước phát thải lớn thứ hai và ba trên thế giới.

Lượng CO2 của Trung Quốc, nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, có khả năng giảm 0,9% do chiến lược “zero COVID” của Bắc Kinh. Lượng khí thải của châu Âu cũng giảm nhẹ.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top