Diễn đàn Hòa bình Paris: Nỗ lực vượt qua đa khủng hoảng

14:14 - Thứ Hai, 14/11/2022 Lượt xem: 4798 In bài viết

Trong hai ngày 11 và 12-11, Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ năm đã được tổ chức tại thủ đô Paris (Pháp). Trong bối cảnh thế giới đang phải hứng chịu nhiều hậu quả từ dịch bệnh, xung đột, khủng hoảng lương thực, năng lượng…, diễn đàn đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng phục hồi và hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ngoài cùng bên trái) và các đại biểu tham dự diễn đàn.

Với chủ đề "Vượt qua đa khủng hoảng", diễn đàn năm nay thu hút sự tham gia của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng và khoảng 4.000 đại diện các tổ chức quốc tế, công ty, ngân hàng, quỹ tài chính, tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội dân sự từ mọi khu vực trên thế giới.

Hầu hết các đại biểu đều thống nhất với nhận định, hiện thế giới đang trải qua giai đoạn đa khủng hoảng: Dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, làn sóng người tị nạn, an ninh lương thực... Những nỗ lực đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường hệ thống y tế, hợp tác kinh tế, cũng như quản lý chung toàn cầu đã bị đại dịch Covid-19 phá hủy. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, phần lớn thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng từ khủng hoảng nhân đạo đến lạm phát, giá năng lượng gia tăng, mất an ninh lương thực và nền kinh tế toàn cầu bị gián đoạn.

Hầu hết các tổ chức tài chính lớn đều dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, ước tính chỉ còn 2,2% trong năm 2023. Trong đó, lo ngại nhất là khu vực châu Âu. Theo Ủy ban châu Âu (EC), năm 2023, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế ở cả EU và khu vực đồng tiền chung (Eurozone) chỉ ở mức 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức 1,5% và 1,4% trong dự báo hồi tháng 7. Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni cho biết, nền kinh tế EU hiện đang bước vào "một bước ngoặt". Sự không chắc chắn gia tăng, áp lực của việc giá năng lượng cao, sức mua của các hộ gia đình bị xói mòn, môi trường bên ngoài yếu hơn và điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ đẩy khu vực vào tình trạng suy thoái trong quý IV-2022.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, xung đột và áp lực kinh tế cũng đang khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu thêm phức tạp. Số người thiếu lương thực trên thế giới đã lên tới con số 345 triệu. Trong 3 quý đầu năm 2022, lạm phát giá lương thực ở Nam Á trung bình hơn 20%. Lạm phát giá lương thực ở các khu vực khác (gồm: Mỹ Latinh và Caribe, Trung Đông và Bắc Phi, châu Phi cận Sahara, Đông Âu và Trung Á) ở mức 12-15%. Trong thời gian tới, giá nông sản có thể tiếp tục phải hứng chịu rủi ro từ sự gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine hoặc Nga. Bên cạnh đó, giá năng lượng tăng thêm có thể gây áp lực lên giá ngũ cốc và dầu ăn; các hình thái thời tiết bất lợi có thể làm giảm sản lượng các mặt hàng nông nghiệp.

Với quyết tâm thúc đẩy phục hồi trên tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia, Diễn đàn Hòa bình Paris 2022 tập trung vào các chủ đề chính, như: Hạn chế những hậu quả trực tiếp của các cuộc xung đột đối với người tị nạn, đối với an ninh lương thực và năng lượng, cũng như sự gia tăng nợ nần; tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại bên lề diễn đàn; giảm thiểu tình trạng rạn nứt các mối quan hệ trên thế giới bắt nguồn từ chủ nghĩa bảo hộ vắc xin hoặc tranh chấp về trách nhiệm khí hậu, cải cách các thể chế đa phương...

Khoảng 60 đề xuất giải pháp và sáng kiến đã được trình bày, tranh luận tại diễn đàn với mong muốn cùng tập trung trao đổi về các giải pháp nhằm giảm thiểu những cú sốc khủng hoảng xuyên quốc gia bằng cách thúc đẩy một trật tự toàn cầu hướng tới hợp tác và chủ nghĩa đa phương mới.

Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ năm một lần nữa cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của các quốc gia đối với hợp tác đa phương và cùng nhau nỗ lực giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách toàn cầu.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top