Hội nghị COP27: Thỏa thuận mang tính bước ngoặt

07:32 - Thứ Ba, 22/11/2022 Lượt xem: 7482 In bài viết

Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc thành lập một quỹ để đền bù tổn thất cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã thất vọng vì một số mục tiêu chính khác không đạt, đặc biệt là việc chưa có những cam kết mạnh mẽ hơn để thúc đẩy cắt giảm khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Các bộ trưởng trong phiên họp toàn thể bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu (COP27) tại Ai Cập, ngày 20-11.

Thỏa thuận khí hậu cuối cùng được các nước tham dự Hội nghị COP27 nhất trí vào sáng 20-11 (giờ địa phương) tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập), sau khi đã kéo dài thời gian đàm phán thêm một ngày. Điều khoản đáng chú ý nhất trong thỏa thuận là việc các nước nhất trí thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp những tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của sự nóng lên toàn cầu. Nội dung liên quan đến quỹ này vốn không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, song nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến nó trở thành chủ đề được quan tâm nhất tại COP27.

Thế giới đã chứng kiến một loạt các hiện tượng cực đoan do khí hậu gây ra làm nổi bật hoàn cảnh khó khăn của các nước đang phát triển phải đối mặt với khủng hoảng giá năng lượng, giá lương thực, nợ nần chồng chất. Danh sách các thảm họa khí hậu ngày càng tăng trong những tháng gần đây đã giúp thúc đẩy thành lập quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại tại COP27. Ngân hàng Thế giới ước tính lũ lụt tàn khốc ở Pakistan năm nay đã gây thiệt hại về kinh tế lên tới 30 tỷ USD. Các đại biểu ca ngợi bước đột phá trong việc thành lập quỹ với tư cách là “công lý khí hậu”, vì mục đích của quỹ là giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với bão, lũ lụt và các thảm họa khác do lượng khí thải carbon lớn từ các quốc gia phát triển gây ra.

Thỏa thuận cuối cùng của COP27 bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, thỏa thuận cũng lần đầu tiên đề cập tới năng lượng tái tạo; đồng thời nhắc lại những kêu gọi trước đây về tăng cường nỗ lực hướng tới giảm dần điện than và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Hội nghị COP27 diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu do cuộc xung đột Nga - Ukraine phơi bày những sai lầm về cách thế giới vận hành quá trình dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi thỏa thuận về những vấn đề nêu trên được coi là một bước đi đáng hoan nghênh thì dường như có rất ít tiến triển về các vấn đề quan trọng khác. Điều gây thất vọng là thỏa thuận tại COP27 không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị COP26 tại Glasgow (Anh) năm 2021 liên quan tới các vấn đề chủ chốt.

Theo các nhà khoa học, giới hạn mức tăng nhiệt của trái đất ở 1,5 độ C là "hành lang an toàn" trước các tác động mang tính thảm họa do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thế giới đi chệch hướng trong thực hiện mục tiêu này và đang tiến tới mức tăng nhiệt 2,5 độ C. Các quốc đảo nhỏ phải đối mặt với mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu tỏ ra không hài lòng khi COP27 chưa tạo ra chuyển biến lớn về hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hội nghị kéo dài hai tuần bên bờ biển Sharm El-Sheikh được coi là phép thử đối với quyết tâm toàn cầu trong việc chống lại biến đổi khí hậu, ngay cả khi cuộc xung đột ở Ukraine, bất ổn thị trường năng lượng và lạm phát tràn lan làm phân tán sự chú ý của dư luận quốc tế. COP27 đã kết thúc, nhưng cuộc chiến vì một tương lai an toàn cho nhân loại thì vẫn còn tiếp tục...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top