Anh triển khai kế hoạch giảm tiêu thụ năng lượng:

Chủ động vượt thời khắc khó khăn

14:38 - Thứ Tư, 30/11/2022 Lượt xem: 6096 In bài viết

Trong bối cảnh mùa đông lạnh giá đã ập tới, Chính phủ Anh công bố chi 1 tỷ bảng Anh (tương đương 1,2 tỷ USD) để hỗ trợ các hộ gia đình lắp đặt vật liệu cách nhiệt trong giai đoạn từ tháng 1-2023 đến tháng 3-2026. Với khoản chi khổng lồ nhằm chủ động vượt qua thời khắc khó khăn và một lộ trình đầy tham vọng, Chính phủ Anh mong muốn cải thiện hiệu quả trong sử dụng năng lượng, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, giảm chi phí sinh hoạt của người dân.

Kế hoạch hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa được Anh kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm năng lượng sưởi ấm trong mùa đông giá rét năm nay.

Mục tiêu chính của kế hoạch này là để nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm 15% lượng năng lượng tiêu thụ vào năm 2030. Nguồn tài chính phục vụ kế hoạch sẽ được lấy từ ngân sách đầu tư cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả trị giá 12,6 tỷ bảng Anh, mà nước này dự kiến giải ngân đến năm 2028.

Bình luận về kế hoạch lần này, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết, khoản chi sẽ giúp hàng trăm nghìn người trên khắp nước Anh có thể cách nhiệt tốt hơn cho nhà cửa, nhờ thế giảm tiêu thụ năng lượng. Đáng chú ý, đối tượng được hưởng sự hỗ trợ đã mở rộng, không chỉ tập trung vào các hộ gia đình khó khăn. Theo đó, khoảng 80% số tiền hỗ trợ sẽ được cung cấp cho những người không đủ điều kiện được hưởng tính theo mức thu nhập nhưng nhà của họ không đáp ứng mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả.

Việc gia cố nhà cửa là một trong hàng loạt giải pháp mà Chính phủ Anh đang theo đuổi nhằm giảm mức năng lượng tiêu thụ. Theo Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh Grant Shapps, London đã chi 18 triệu bảng Anh cho chiến dịch tuyên truyền, trong đó khuyến khích người dân trên toàn quốc gia cố lại nhà chống gió lùa, tắt máy sưởi ở những phòng trống và bật thiết bị lò hơi sưởi ấm ở mức nhiệt thấp hơn thường lệ. Nhiều thành phố lớn của Anh hiện đã cắt giảm thời gian bật đèn trang trí, hoặc chuyển sang sử dụng đèn LED tiết kiệm điện, tăng tỷ lệ tận dụng năng lượng tái tạo…

Nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” được Chính phủ Anh ráo riết triển khai là dễ hiểu, khi cuộc sống người dân ngày càng gánh chịu thêm áp lực từ những diễn biến kinh tế - chính trị phức tạp. Đáng ngại hơn cả là việc giá khí đốt tăng vọt khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra khiến trần giá năng lượng ở Đảo quốc sương mù tăng lên trung bình 3.549 bảng Anh/năm, đồng nghĩa hóa đơn điện và khí đốt đã tăng khoảng 80% so với đầu năm 2022. Giá năng lượng tăng góp phần đáng kể vào mức lạm phát cao nhất mà Anh từng ghi nhận kể từ năm 1982 tới nay.

Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho thấy, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong quý III-2022 đã giảm 0,2%, báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc suy thoái kéo dài. Cả 3 lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và xây dựng đều chậm lại, trong đó sản xuất giảm 1,5% với sản lượng đi xuống ở tất cả 13 phân ngành. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hiện duy trì dự báo, đất nước có thể bước vào cuộc suy thoái dài nhất lịch sử, kéo dài từ quý III-2022 đến năm 2024, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 6,5%. Thực tế này sẽ khiến thu nhập của người dân giảm đáng kể.

Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR) dự báo, mức sống của các gia đình nước này có thể giảm 7,1% trong vòng hai năm tới, là mức giảm lớn nhất trong sáu thập kỷ qua. Nghiên cứu của một nhóm chuyên gia Đại học York cho rằng, 58% hộ gia đình ở Anh có nguy cơ rơi vào đói nghèo trong năm 2023, là giai đoạn cuộc khủng hoảng sẽ tồi tệ hơn.

Rõ ràng, Anh đang đứng trước giai đoạn bước ngoặt quan trọng và cần nhanh chóng có những biện pháp ứng phó phù hợp, không chỉ để duy trì sức mạnh của nền kinh tế, mà còn bảo đảm người dân có thể bình yên vượt qua một trong những giai đoạn khó khăn hiếm thấy trong lịch sử hiện đại của Đảo quốc sương mù.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top