Thiếu điện lan rộng ở châu Âu: Sớm tìm giải pháp hiệu quả

09:16 - Thứ Sáu, 09/12/2022 Lượt xem: 6942 In bài viết

Nguồn cung năng lượng thu hẹp đúng lúc nhiệt độ giảm sâu bất thường trong mùa đông 2022 khiến nhiều quốc gia châu Âu đối mặt nguy cơ mất điện diện rộng, bất chấp hàng loạt biện pháp tiết kiệm điện đã triển khai. Trong bối cảnh này, các nước ở Lục địa già cần hợp tác chặt chẽ để sớm tìm giải pháp hiệu quả, bảo đảm cuộc sống của người dân.

Các quốc gia châu Âu đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó trước nguy cơ thiếu điện trong mùa đông.

Mới nhất, Pháp công bố kế hoạch cắt điện luân phiên từ tháng 1-2023, ngay cả trong các khung giờ cao điểm. Theo thông báo, những địa điểm quan trọng như bệnh viện, viện dưỡng lão, đồn cảnh sát, cứu hỏa sẽ không bị cắt điện. Tuy nhiên, học sinh Pháp sẽ phải ở nhà nếu lớp học mất điện; các chuyến tàu có thể đình trệ vài giờ ở những khu vực chịu ảnh hưởng của cắt điện; hoạt động rút tiền tự động cũng có thể bị gián đoạn...

Tại Anh, Công ty Lưới điện quốc gia đã thông báo tới các hộ gia đình về lịch cắt điện luân phiên, mỗi lần trong 3 giờ. Trong trường hợp xấu nhất, một số khách hàng có thể bị cắt điện để “bảo đảm an ninh tổng thể và tính toàn vẹn của hệ thống điện trên khắp Vương quốc Anh”. Về phần mình, Thụy Sĩ đã có đề xuất cấm sử dụng ô tô điện nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mất điện toàn quốc, song song loạt quy định về cấm khai thác tiền điện tử, tắt thang cuốn… Tại Đức, sau hàng loạt nỗ lực giảm tiết kiệm điện không mang lại hiệu quả như mong muốn, chính quyền nhiều địa phương đã kêu gọi người dân dự trữ đèn pin, nến, quần áo ấm…, phổ biến các lưu ý khi mất điện diện rộng xảy ra.

Việc châu Âu rơi vào tình trạng như trên có nhiều nguyên nhân. Trước hết, không chỉ nguồn cung năng lượng từ Nga bị hạn chế, thực tế hiển hiện là sản lượng điện của châu Âu đang tụt giảm kỷ lục. Công ty Điện lực EDF của Pháp đã chứng kiến sản lượng điện giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm do nhiều trong số 56 lò phản ứng hạt nhân nước này liên tục ngừng hoạt động. Hệ quả là, Pháp từ một nước xuất khẩu năng lượng lớn đã trở thành nước nhập khẩu. Tại Thụy Sĩ, mùa đông lạnh khiến các nhà máy thủy điện tê liệt, dù nguồn cung này đáp ứng tới 60% nhu cầu điện của đất nước. Thụy Điển, Phần Lan... cũng chứng kiến sản lượng điện nội địa giảm mạnh trong tháng 12 vì những lý do khác nhau.

Thứ hai, lâu nay các nước Lục địa già vẫn dựa vào nhau để cung cấp điện trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng lan rộng đã khiến nhiều quốc gia không thể nhập khẩu điện khi cần. Tình trạng này xảy ra đúng vào lúc mùa đông năm nay ập tới với nhiệt độ giảm sâu bất thường so với các dự báo. Tại Pháp, nền nhiệt sẽ thường xuyên ở mức 0 độ C trong tháng 12, trong khi lượng điện tiêu thụ được dự báo đạt đỉnh 80 GW vào ngày 12-12. Thực trạng này tạo ra áp lực lớn về nhu cầu điện. Thực tế, các báo cáo gần đây cho thấy, lượng điện tiết kiệm được ở nhiều nước châu Âu thời gian qua chỉ đạt 1% - thấp hơn nhiều mục tiêu 10% mà Liên minh châu Âu (EU) mong muốn.

Để giải tỏa “cơn khát”, châu Âu đã và đang ráo riết tìm lối thoát. Đức đã ký các hợp đồng về cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Về phần mình, Thủ tướng Italia Mario Draghi và Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đạt nhất trí hợp tác về đầu tư năng lượng tái tạo và chứng kiến lễ ký thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên mới giữa hai công ty năng lượng quốc doanh lớn là Eni và Sonatrach. Tuy nhiên, một giải pháp đáp ứng tức thời nhu cầu điện là chưa thể có.

Như vậy, viễn cảnh nhiều hạ tầng quan trọng bị tê liệt, đời sống xã hội khó khăn vì thiếu điện sẽ là bài kiểm tra lớn đầu tiên về khả năng tự chủ năng lượng của châu Âu. Trong bối cảnh ấy, giờ là lúc chính phủ các nước cần có sự hợp tác chặt chẽ để cùng nhau giải bài toán khó, qua đó bảo đảm cuộc sống của người dân.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top