Tiến trình hòa giải tại Libya: Bước tiến tích cực

14:24 - Thứ Tư, 11/01/2023 Lượt xem: 8623 In bài viết

Sau hơn một thập kỷ chìm trong nội chiến và bất ổn, tiến trình hòa giải dân tộc tại Libya vừa đạt được một bước tiến quan trọng, có khả năng mang đến những thay đổi tích cực cho quốc gia Bắc Phi này. Theo đó, hai phe phái đối nghịch tại Libya là Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU) và Quốc hội đã thống nhất vạch ra một lộ trình rõ ràng nhằm hoàn thành tất cả các bước cần thiết để thực hiện quy trình bầu cử.

Nội chiến tại Libya đã khiến đất nước ngày càng bị tàn phá nặng nề.

Những tiến bộ đạt được liên quan tới tình hình Libya là nhờ nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có vai trò của Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) và Ai Cập với sứ mệnh là trung gian hòa giải. Mục tiêu đề ra cho quá trình ổn định tại Libya là duy trì đoàn kết dân tộc, loại bỏ nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, chấm dứt tình trạng chia rẽ, củng cố nền hòa bình hiện nay, tránh gây hỗn loạn, hạn chế sự can thiệp của nước ngoài và thúc đẩy một giải pháp quốc gia cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Nhìn lại hơn 10 năm qua, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng, cuộc chính biến núp dưới cái bóng “dân chủ” của làn sóng “Mùa xuân Arab” sẽ đưa nước này bước sang một trang mới. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Các nhóm vũ trang từng đoàn kết để lật đổ chế độ Tổng thống Muammar Gaddafi lại không tìm được tiếng nói chung trong chia sẻ quyền lợi thời "hậu Gaddafi". Từ năm 2014, Libya chứng kiến 2 chính quyền cùng tồn tại. Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj ở thủ đô Tripoli nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc và được Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Trong khi đó, chính quyền ở miền Đông được lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) ủng hộ, đồng thời nhận được sự ủng hộ về chính trị từ một số nước như Mỹ, Nga, Pháp.

Đến tháng 3-2021, nhờ sự thúc đẩy của Liên hợp quốc, một Chính phủ Thống nhất quốc gia (GNU) được thành lập nhằm hợp nhất GNA và chính quyền ở miền Đông. Ông Abdul Hamid Dbeiba trở thành Thủ tướng lâm thời cho tới khi nước này tổ chức bầu cử, dự kiến vào tháng 12-2021. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai phe không được hóa giải như kỳ vọng. Vì thế, bầu cử đã không thể diễn ra do những tranh cãi về các ứng cử viên và nguyên tắc bỏ phiếu. Căng thẳng chính trị leo thang kể từ tháng 3-2022, sau khi Quốc hội có trụ sở ở miền Đông chỉ định ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng mới, thay thế người đứng đầu GNU Abdul Hamid Dbeibah với lý do nhiệm kỳ của ông Dbeibah đã kết thúc. Tuy nhiên, ông Dbeibah đã từ chối chuyển giao quyền lực cho bất kỳ chính phủ nào, ngoại trừ một chính phủ dân cử.

Trong một động thái được đánh giá là sẽ mang đến thay đổi tích cực, mới đây, các phe phái tại Libya đã thông báo nhất trí nhanh chóng đạt được cơ sở hiến pháp, các luật cũng như các vấn đề về hành pháp và việc thống nhất thể chế nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị ở quốc gia Bắc Phi này. Đây là kết quả cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Hanafy El Gibaly và các bên liên quan. Ngoài ra, các bên cũng đồng ý chuyển dự thảo hiến pháp cho nhau để cùng xem xét, thông qua, với mục tiêu hoàn thiện Luật Bầu cử và các biện pháp hành pháp cũng như hướng tới việc thống nhất các thể chế nhà nước.

Theo đánh giá của các bên, việc tổ chức các cuộc bầu cử là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya. Để làm được điều đó, ngoài sự chung tay của cộng đồng quốc tế, hai phe phái đối lập cần phải gạt bỏ những toan tính lợi ích riêng để hướng tới mục tiêu ổn định và hòa bình lâu dài cho đất nước đang ngày càng bị tàn phá bởi xung đột này.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top